Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Yếu tố “thông minh” trong một đô thị hiện đại

Trung tâm điều hành giao thông thông minh TPHCM. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, từ “thông minh” xuất hiện 29 lần, với các thành tố đi kèm như “đô thị thông minh” (10 lần), “thành phố thông minh” (7 lần), “du lịch thông minh”, “sản xuất thông minh”, “giáo dục thông minh”, “y tế thông minh”, “nhà máy thông minh”… Từ “thông minh” xuất hiện nhiều lần không phải để chạy theo một xu hướng mà trên thực tế đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đồng thời, đây cũng là một mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, đặt vấn đề xây dựng các yếu tố thông minh ở TPHCM là một yêu cầu tất yếu nhằm xây dựng thành phố thành một đô thị văn minh, hiện đại, tiệm cận với các đô thị hiện đại hàng đầu khu vực và thế giới, đồng thời để phục vụ tốt hơn cho đời sống của người dân. Yếu tố thông minh ở đây chính là những tiện ích, tiện lợi thông qua các thiết bị, các phương tiện khoa học công nghệ trong việc đáp ứng các nhu cầu chính đáng của người dân, như đi lại, học tập, khám chữa bệnh, sản xuất – kinh doanh, giải quyết các nhu cầu hành chính…

Chẳng hạn, trong việc đi lại, người dân có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng có tích hợp nhiều tiện ích, như giúp đỡ người khuyết tật, nhắc hành khách lên xuống đúng theo nhu cầu, hỗ trợ chọn tuyến/lộ trình/phương tiện, giới thiệu các bãi đỗ xe hoặc nơi giữ xe, gợi ý đường đi phù hợp để tránh kẹt xe, ngập nước…, kể cả việc xử lý các lỗi vi phạm luật giao thông mà không gây cản trở giao thông hoặc phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu… Xa hơn, người dân có thể có được các thông tin từ kho dữ liệu dùng chung về giao thông, trên cơ sở thực hiện thống kê về giao thông của thành phố, như mật độ giao thông, các “điểm đen” tai nạn, các lỗi vi phạm an toàn giao thông thường mắc… để tự chọn lựa cho mình cách thức tham gia phù hợp.

Hay trong việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cách thông minh, người dân giảm thiểu phải đi đến cơ quan hành chính, giảm số lần phải đến và bổ túc hồ sơ, giảm khả năng bị vòi vĩnh hoặc “làm khó” từ một số cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm… Khi đó, người dân có thể thực hiện tờ khai, đăng ký, đề nghị… trực tuyến và liên thông giữa các cơ quan có liên quan, vừa giảm việc khai đi khai lại nhiều lần vừa hạn chế việc sai sót, nhầm lẫn. Thí dụ: người dân thực hiện việc công chứng mua bán nhà đất xong, sau đó đến cơ quan thuế để thực hiện việc kê khai bằng cách xuất trình biên nhận, mã số, mã vạch hoặc mã hợp đồng để cơ quan thuế áp mức thuế theo đúng quy định, từ đó sẽ đóng thuế qua tài khoản mà không cần đến kho bạc, sau đó sẽ nhận biên nhận, khi đến hạn sẽ đến văn phòng đăng ký đất đai để nhận giấy chủ quyền hoặc được trả đến tận nhà qua dịch vụ bưu điện…

Như vậy, yếu tố “thông minh” sẽ bảo đảm người dân được đáp ứng nhanh chóng, tiện lợi, chính xác các nhu cầu hợp pháp của mình thông qua các thiết bị công nghệ và nền tảng tiên tiến của mạng internet. Đó là một trong số các biểu hiện đặc trưng của một đô thị văn minh, hiện đại, bởi ở đó, sự năng động, tác phong công nghiệp, mức độ chính xác, tính kỷ luật… luôn là những yêu cầu hàng đầu. Chẳng hạn, người dân sẽ không còn được trả lời “hôm nay cán bộ phụ trách đi vắng/đi họp” khi đến cơ quan hành chính để yêu cầu thực hiện một thủ tục hành chính nào đó, mà khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu qua máy tính, điện thoại thông minh… thì hồ sơ tự “chạy” đến cơ quan tiếp nhận, họ bắt buộc phải tiếp nhận và xử lý mà không cần có mặt lãnh đạo hay không và tất cả được lưu lại trên hệ thống mà không ai có thể sửa đổi được. Khi đến hạn, hồ sơ cũng sẽ được tự “trả về” và báo tin cho người có nhu cầu mà không cần biết người dân có “biết điều”, có “quen thân” gì hay không.

Nhưng yếu tố “thông minh” đó không tự nhiên mà có. Trước hết phải có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, như hệ thống máy tính liên thông với nhau, các máy quét, máy đọc mã, kho dữ liệu với đầy đủ các dữ liệu chủ yếu, các phầm mềm, khả năng kết nối internet hoặc liên thông giữa các cơ quan, các dữ liệu, các thủ tục… Phải tránh “nghẽn” ở bất cứ khâu nào, bộ phận nào và cũng không được đổ lỗi cho yếu tố khách quan, đại loại như “do mạng chậm quá”, “do camera mờ nên ảnh chụp không rõ”, “do máy quét bị hư”, “do đường truyền bị sự cố”…, trừ trường hợp bất khả kháng. Kể cả vấn đề bảo mật, an ninh mạng cũng phải được bảo đảm, hạn chế tối đa trường hợp bị tấn công đánh cắp hay làm thay đổi dữ liệu… Bởi ở đô thị văn minh, hiện đại, các tình huống rủi ro cần được dự phòng phương án khắc phục để bảo đảm mọi hoạt động luôn được thông suốt.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần được giới thiệu, thông tin về mức độ “thông minh” của các hệ thống để họ trực tiếp tham gia, kiểm tra, giám sát, hiến kế… Chẳng hạn, cần tuyên truyền để người dân biết nhiều đến các ứng dụng “X trực tuyến”, trong đó X là tên một địa phương (như các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Quận 12… đã thực hiện) để người dân tải về, sử dụng, phản hồi… Đồng thời, các hệ thống này phải thường xuyên khắc phục các hạn chế, bất cập để hoạt động liên tục, hiệu quả, có phản hồi cho người dân và giải quyết được các vấn đề trên thực tế thì mới tạo được niềm tin trong nhân dân.

Tóm lại, xây dựng đô thị thông minh là một xu thế tất yếu. Nhưng trước khi có các thiết bị, các hệ thống thông minh thì cần con người có nhận thức đúng về việc điều này và trong tâm thế sẵn sàng tham gia hay đóng góp vào quá trình thực hiện. Bởi dù phương tiện, thiết bị, hệ thống dù thông minh nhưng con người thụ động, ngán ngại, hiểu không đúng… thì cũng khó giải quyết được vấn đề. Do đó, trong vấn đề xây dựng thành phố thông minh ở TPHCM, một yêu cầu hết sức quan trọng là phải xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thực sự có tâm huyết, có trách nhiệm, có năng lực, có hiểu biết với vấn đề này.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo