Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

“Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái”!

Lễ triển khai “Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 22/4/2022 tại TPHCM, nhằm huy động sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm và đóng góp của đoàn viên công đoàn cả nước, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của Chương trình “Một triệu sáng kiến”. (Ảnh: tuyengiao.vn)

(Thanhuytphcm.vn) – Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, viết tháng 10/1947. Chỉ dẫn này không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh kháng chiến mà vẫn luôn phù hợp trong điều kiện hiện nay, nhất là khi đất nước ta đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trong tác phẩm, phần nói về nội dung này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên mấy điểm chính:

Thứ nhất, vì sao cán bộ và đảng viên ít sáng kiến, ít hăng hái. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là vì cách lãnh đạo không được dân chủ, cách công tác không được tích cực. Người nêu rõ: “Kinh nghiệm là: cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết”. Như vậy, vấn đề phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng, là tiền đề của rất nhiều vấn đề, trong đó có việc hình thành các sáng kiến và lòng hăng hái ở từng cán bộ, đảng viên, người lao động.

Thứ hai, điều kiện của sáng kiến là gì. Theo Người, “dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”. Như vậy, sáng kiến và hăng hái góp phần quan trọng vào việc khắc phục các khuyết điểm trong từng cá nhân, và như thế tâm thế tích cực của các cá nhân luôn được đề cao.

Thứ ba, thế nào là sáng kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta thường nói đến hai chữ sáng kiến một cách mênh mông, không thiết thực. Như là phải có tài giỏi đặc biệt mới có sáng kiến. (…) Chúng ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”. Người cũng nhấn mạnh: “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực”. Do đó, bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến... Tức là không phải là cán bộ lãnh đạo, quản lý, hay đảng viên nhiều tuổi đảng, kể cả nhân viên, lao công… cũng đều có thể có sáng kiến.

Thứ tư, làm thế nào để có nhiều sáng kiến? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính “gặp chăng hay chớ” ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm”. Tức là sáng kiến không phải chỉ xuất phát tự nỗ lực tự thân của từng người mà cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp trên, của tổ chức, nhất là sự động viên, khích lệ.

Những chỉ dẫn, định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sáng kiến và lòng hăng hái 75 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh phục hồi các hoạt động sau đại dịch, tất cả các cơ quan, đơn vị và bản thân từng cán bộ, đảng viên đều cần sự hăng hái, phấn chấn, từ đó hình thành nhiều sáng kiến, phục vụ tích cực cho thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, sau dịch, một số cơ quan có tình trạng cán bộ công chức, người lao động nghỉ việc vì nhiều lý do thì những người còn lại cần phải nỗ lực nhiều hơn, muốn vậy, họ phải được làm cho tinh thần trở nên phấn khởi, động lực làm việc trở nên tích cực, chất lượng công việc phải trở nên hiệu quả hơn… Muốn vậy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải tạo các điều kiện cho họ, như phát huy dân chủ, gợi mở để họ chủ động và có sáng kiến, sáng tạo; bố trí, trang bị đủ phương tiện làm việc phù hợp; xây dựng môi trường cạnh tranh tích cực theo hướng đề cao sự phát triển của cá nhân trong khuôn khổ chung của tập thể; biểu dương kịp thời các sáng kiến hay, có hiệu quả…

Ta thử hình dung, ở một trạm y tế phường, có việc một số viên chức xin nghỉ việc, trong lúc chờ bổ sung nhân sự thì chắc chắn số người còn lại phải làm việc nhiều hơn, áp lực hơn. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo trạm phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của các viên chức, người lao động; phải chia sẻ với các khó khăn và áp lực chứ không phải luôn đòi hỏi chất lượng và hiệu quả công việc; phải giải quyết kịp thời các vướng mắc, tồn tại ở trạm có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc, như tổ chức lại các bộ phận, bổ sung trang thiết bị, sửa chữa phòng ốc, tính toán thu nhập, thực hiện quảng bá nhằm cải thiện hình ảnh đơn vị, chấn chỉnh các biểu hiện chưa lành mạnh; có hình thức ghi nhận phù hợp các đóng góp… Làm được như vậy thì mới khích lệ sự phấn đấu của cả tập thể, từ đó mới thúc đẩy sáng kiến, sáng tạo nhằm đạt được kết quả chung tốt nhất trong điều kiện chưa phải tối ưu.

Trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo trạm phải đề cao từng sáng kiến dù nhỏ, nếu thực sự thiết thực và có ý nghĩa, như việc phối hợp với các khu phố, tổ dân phố để giới thiệu hoạt động của trạm trong các sinh hoạt, trên bản tin, trong các nhóm (group) dân cư trên mạng xã hội…; đề xuất sắp xếp lại phòng làm việc theo hướng gọn, lấy ánh sáng trời, tăng cường yếu tố vệ sinh…; đề xuất tăng mảng cây xanh trong khuôn viên của trạm; đề xuất giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người dân đến khám chữa bệnh… Để có nhiều sáng kiến và chắt lọc được các mô hình hay thì lãnh đạo trạm phải thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh, đề đạt của viên chức, người lao động; tiếp thu các đề xuất hợp lý và có thể thực hiện được; biểu dương những trường hợp có ý kiến hay… Ngoài ra, lãnh đạo trạm còn phải đề đạt các ý kiến của người lao động lên cấp trên nếu chưa được giải quyết tại trạm…

Suy cho cùng, cơ quan, đơn vị nào cũng cần có sáng kiến và tinh thần hăng hái làm việc của tất cả cán bộ, đảng viên, người lao động. Chính điều đó làm nên sự mới mẻ, sôi động trong đơn vị, tránh sức “ì” hay sự trầm lắng trong tinh thần, thái độ làm việc, có thể dẫn đến kém hiệu quả, năng suất và chất lượng công việc. Để làm được việc này, vai trò gợi mở, dẫn dắt, định hướng của người lãnh đạo là rất quan trọng. Đây thực sự là một cách sửa đổi lối làm việc ở tất cả các cơ quan, tổ chức.

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo