Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

"Tổ quốc nơi cuối con đường" - góp phần vun đắp các giá trị tốt đẹp cho xã hội

Trích đoạn “Người đi tìm hình của nước” từ vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường" biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tối 19/5 vừa qua

(Thanhuytphcm.vn) - Là một trong những tác phẩm nghệ thuật có tên ở vòng bình chọn cuối Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần I, vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường (kịch bản: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) tiếp tục nối dài chuỗi thành tích ấn tượng từ sau chiếc huy chương vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 và giải III Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II (2012 – 2017) cho kịch bản gốc của tác giả Lê Thu Hạnh. Điều gì tạo nên sức thu hút của một vở cải lương đề tài truyền thống cách mạng như Tổ quốc nơi cuối con đường?

Một góc nhìn mới về lãnh tụ

Trước hết, Tổ quốc nơi cuối con đường tự thân đã có sức hút khi chọn một đề tài đầy “mạo hiểm”: vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong. Câu chuyện lịch sử xảy ra vào năm 1931 khi Nguyễn Ái Quốc - đang hoạt động bí mật ở Hongkong dưới bí danh Tống Văn Sơ - bị cảnh sát Anh bắt giam. Thỏa thuận cùng mật vụ Pháp tại Đông Dương, chính quyền Hongkong dự định dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương trao trả cho chính quyền Pháp với án tử hình đã chờ sẵn. Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn quốc tế (vợ chồng luật sư người Anh Loseby, cô nhà báo người Pháp, bà mẹ người Hoa…), Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù Anh Quốc và bí mật rời Hongkong an toàn.

Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết vô tình bị thu hút bởi tựa đề kịch bản và lập tức liên lạc với tác giả Lê Thu Hạnh. “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng vài lần xuất hiện trên sân khấu nhưng giai đoạn thanh niên, quá trình bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm một “con đường sáng”, cùng những bước chuyển biến trong nhận thức để có thể từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này lại chưa được người làm sân khấu khai thác. Đây là một thử thách, cũng là một cơ hội để tôi “mạo hiểm”. Không dễ bắt gặp một kịch bản về lãnh tụ được khai thác dưới góc nhìn tình cảm, trữ tình đến vậy đâu”, đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.

Cảnh trong vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường" dự thi Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 Cảnh trong vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường" dự thi Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018

Cũng theo đạo diễn Nguyên Đạt, hình tượng người thanh niên Nguyễn Ái Quốc khơi gợi cho anh nhiều sự sáng tạo khi không cố gắng thể hiện tầm vóc một lãnh tụ mà chỉ truyền tải một hình tượng Nguyễn Ái Quốc thật dung dị, nhẹ nhàng. “Nguyễn Ái Quốc lúc đó cũng chỉ là một thanh niên yêu nước, như biết bao thanh niên Việt Nam khác, đau nỗi đau của người dân mất nước mà hành động. Tôi muốn đi từ cảm xúc của người nghệ sĩ đối với nhân vật để sáng tạo nên vai diễn. Từ sự cảm nhận, sáng tạo của chính nghệ sĩ cộng với sáng tạo của mình để có một tác phẩm đồng điệu. Nghệ thuật sân khấu vốn là đi vào sự hòa điệu của tất cả thành phần sáng tạo, từ đó tạo sự rung cảm truyền cho khán giả”, đạo diễn Nguyên Đạt lý giải.

Truyền thống nhưng phải hiện đại

Tổ quốc nơi cuối con đường không mang hình thức một vở cải lương truyền thống, thậm chí còn có ý kiến cho rằng vở mang phong cách lễ hội. Tuy nhiên, đó cũng là dụng ý của chính đạo diễn khi tạo ra một không gian rộng mở với tiết tấu nhanh và hiện đại, xử lý chuyển cảnh ngay trên sân khấu tạo cảm xúc kết nối liên tục cho người xem. “Quy luật biểu diễn cải lương là phải ca hay diễn giỏi và phù hợp vai. Những NSƯT Tấn Giao, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Mỹ Hằng… đều là những nghệ sĩ rất giỏi nghề và là lựa chọn tốt nhất của tôi cho từng vai diễn. Cùng với đó, là những lớp diễn hoành tráng, xử lý đông người phù hợp tình huống, có thể đáp ứng thị hiếu những khán giả thích không khí lễ hội. Tôi cho rằng mình đang làm cái gì hợp lý nhất để cho ra đời một vở diễn đáng lẽ thời lượng phải 2,5 - 3 tiếng đồng hồ nhưng giờ chỉ còn 100 phút. Dù thể hiện đề tài chính trị tưởng như khô khan nhưng vẫn làm người xem thoải mái, cảm nhận vừa đủ, hưởng thụ vừa đủ, phù hợp nhịp sống hiện đại hôm nay, cũng như phù hợp đa dạng đối tượng khán giả - người thích nghe ca thì cứ nghe ca, người thích xem diễn thì xem diễn, người thích không khí ca múa nhạc vẫn cảm nhận được…”, đạo diễn Nguyên Đạt cho biết.

Nỗ lực tạo đời sống cho tác phẩm nghệ thuật

Tác phẩm nghệ thuật chỉ khẳng định được giá trị khi có đời sống thực sự. Đáng buồn là nhiều năm qua, cùng với sự khủng hoảng của sân khấu cải lương, không ít vở diễn hay, đạt giải cao từ các kỳ liên hoan, hội diễn, phải chịu cảnh “đắp chiếu cất kho”. Chính vì thế, ê-kíp thực hiện vở Tổ quốc nơi cuối con đường đã nỗ lực rất nhiều để đưa vở đến với đông đảo công chúng. “Ngày nay không thể ngồi đợi khán giả đến với mình mà phải tự đi tìm khán giả. Cần xác định phân khúc khán giả của mình, xác định thể loại, đề tài tác phẩm dành cho đối tượng nào để chủ động giới thiệu tác phẩm đúng nơi, đúng chỗ nhằm tìm đời sống cho tác phẩm cũng như tìm lại phần đầu tư cho vở diễn chất lượng”, đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.

Tổ quốc nơi cuối con đường ra đời trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng đúng dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ – cơ hội lý tưởng để đưa một tác phẩm nghệ thuật về Bác đến với công chúng. Ê-kíp vở diễn đã trực tiếp liên hệ các cơ quan, đơn vị, trường học, các trung tâm văn hóa, tổ chức Công đoàn… của TP để giới thiệu về vở diễn. Liên đoàn Lao động TPHCM đã hưởng ứng với khoảng 6.000 vé phục vụ công chức, viên chức, người lao động TP. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Hồ Xuân Lâm cho biết, chương trình thể hiện sự quan tâm chăm lo thiết thực đời sống tinh thần người lao động, cũng nhằm làm phong phú thêm các hình thức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động TP một cách trực quan, sinh động và thiết thực.

Vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường" biểu diễn phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TPHCM cuối năm 2018 Vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường" biểu diễn phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TPHCM cuối năm 2018

Nối tiếp hiệu ứng đó, năm 2019, Tổ quốc nơi cuối con đường đã nhận được “đặt hàng” 15 suất diễn từ nhiều cơ quan, đơn vị của TP, cũng như nhận được nhiều sự quan tâm và lời mời từ các cơ sở đoàn, các quận huyện qua các giải thưởng gặt hái được.

“Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, người nghệ sĩ chúng tôi cũng là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” như lời Bác nói, mong muốn thông qua tác phẩm của mình truyền thông điệp về cái chân - thiện - mỹ góp phần vun đắp các giá trị tốt đẹp cho xã hội. Chúng tôi hy vọng không chỉ Tổ quốc nơi cuối con đường mà những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, nhất là đề tài truyền thống cách mạng, có thể tìm được đời sống thực sự khi đến với người lao động, người dân TP. Những bài học lịch sử, nhân sinh qua tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là hình thức trữ tình của sân khấu cải lương, bao giờ cũng dễ cảm, dễ thấm hơn và ý nghĩa hơn nữa là góp phần giữ gìn, phát huy loại hình sân khấu đặc sắc của dân tộc, của vùng đất phương Nam, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đạo diễn Nguyên Đạt kỳ vọng.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo