Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bất an với những cây cầu yếu

Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè bị sập nhịp giữa do xe quá tải lưu thông.

(Thanhuytphcm.vn) - Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện nay trên địa bàn TP còn 30 cây cầu yếu. Trải qua hàng chục năm sử dụng, cũng như với quá trình đô thị hóa nhanh, hiện nay những cây cầu này đã yếu và không còn khả năng chịu đựng với phương tiện vận tải khối lượng lớn, đang gây ra sự bất an cho người dân mỗi khi đi lại trên những cây cầu này.

“Gồng” mình chịu tải

Tuyến đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè là tuyến đường chính nối huyện Nhà Bè, Quận 7 (TPHCM) về tỉnh Long An, hàng ngày có hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông qua lại. Tuy nhiên, hiện trên tuyến đường này có đến 4 cây cầu bằng thép gồm cầu Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Long Kiểng, Rạch Dơi nằm gần nhau được xây dựng từ trước năm 1975, với bề rộng từ 3 - 3,3m, lưu thông 2 chiều và không có lề bộ hành; tải trọng khai thác cầu chỉ từ 1 - 3,5 tấn, tĩnh không thông thuyền không đảm bảo theo cấp sông. Anh Huỳnh Văn Nhân, ngụ số nhà 270, đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cho biết: “Những cây cầu sắt trên tuyến đường Lê Văn Lương đã quá cũ kỹ, nhỏ hẹp, mỗi lần xe tải hoặc xe buýt chở khách lưu thông qua lại là tất cả xe gắn máy của người dân phải đứng chờ hai bên đầu cầu vì không có lối đi; còn cầu thì cứ “rung” lên rất sợ. Người dân chúng tôi mong TP sớm xây dựng cầu mới thay thế những cầu này để việc lưu thông qua lại dễ dàng”.  

Trong khi các cây cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương đang hàng ngày phải “gồng” mình chịu tải thì các dự án thay thế những cầu yếu này đã được TPHCM phê duyệt dự án đầu tư từ nhiều năm qua nhưng chậm triển khai xây dựng, gây ra nổi bất an cho người đi đường; nhất là trường hợp các tài xế cố tình cho xe quá tải lưu thông, cũng như hệ thống sà lan lưu thông bên dưới sông đâm va vào chân cầu. Đơn cử như vụ tài xế xe tải cố tình cho xe quá tải lưu thông gây sập nhịp giữa cầu Long Kiểng xảy ra cuối tháng 1/2018. Trước đó, giữa năm 2016, chiếc sà lan chết máy đâm vào trụ chống va của chân cầu Rạch Đĩa làm cầu rung chuyển.

Còn với cầu Tân Kỳ Tân Quý nằm trên trục đường Tân Kỳ Tân Quý nối Quốc lộ 1 với các quận như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, tải trọng cho phép của cầu là 5 tấn nhưng hàng ngày có nhiều phương tiện lớn nhỏ lưu thông qua lại. Trải qua quá trình dài đưa vào sử dụng, vào giữa năm 2016, cầu Tân Kỳ Tân Quý đã bị sụt mố cầu. Trước sự cố này, vào năm 2017, UBND TPHCM duyệt dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc. Theo đó, việc xây cầu Tân Kỳ Tân Quý mới thuộc dự án BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao).

Hiện nay cầu Tân Kỳ Tân Quý cũ đã được tháo dỡ và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO đã tiến hành vây rào chắn công trình, làm 2 cầu sắt tạm để cho người dân lưu thông qua lại. Tuy nhiên, với công trình cầu mới vẫn chưa được triển khai thi công. Anh Thái Văn Châm, sửa chữa xe ngay chân cầu Tân Kỳ Tân Quý cho biết: Nhiều tháng nay đơn vị thi công rào chắn công trình lên rồi để đó mà không thấy thi công gì nên vào giờ cao điểm lượng phương tiện lưu thông qua lại đông gây ùn tắc giao thông khu vực hai cầu sắt tạm. 

Tương tự, cầu Bà Hom nằm trên Tỉnh lộ 10 đi về tỉnh Long An, có tải trọng cho phép là 13 tấn nhưng hàng ngày cây cầu nằm phải “cõng” trên mình hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông qua lại, thậm chí là xe tải lớn.

Cầu Tân Kỳ Tân Quý cũ đã được tháo dỡ, vây tường chắn nhiều tháng qua nhưng chưa được triển khai thi công. Cầu Tân Kỳ Tân Quý cũ đã được tháo dỡ, vây tường chắn nhiều tháng qua nhưng chưa được triển khai thi công.

Đến hết năm 2020 thay thế các cầu yếu?

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường cho biết: Trong nhiều năm, TP có chương trình xóa cầu yếu trên địa bàn TP và vừa qua Sở đã từng bước thay thế xây dựng mới những cầu yếu khu vực trung tâm TP là cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Băng Ky, cầu Đỏ... Hiện nay, tổng số cầu yếu và không đồng bộ về tải trọng trên cùng tuyến đường là khoảng 30 cây cầu và trên cơ sở này Sở có kế hoạch để tập trung triển khai. Ví dụ như 4 cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương gồm cầu Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Long Kiểng, Rạch Dơi (đều thuộc huyện Nhà Bè), Bà Hom, Tân Kỳ - Tân Quý (Bình Tân), Ông Nhiêu (Quận 9),… Theo kế hoạch chung, từ nay đến hết năm 2020, các cầu yếu này sẽ được thay thế và đồng bộ về tải trọng.

Lý giải về việc một số cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè được phê duyệt dự án đầu tư từ nhiều năm qua nhưng chậm triển khai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải  TP Bùi Xuân Cường cho rằng: Sở dĩ các cầu trên tuyến đường Lê Văn Lương được duyệt nhưng chậm triển khai do có một số nguyên nhân.

Đó là trong quá trình duyệt dự án và quá trình thực hiện dự án thì quy mô xây dựng các công trình cầu không còn phù hợp với sự phát triển đô thị nên đòi hỏi phải có đường gom hai đầu cầu và đường chui dưới dạ cầu để đảm bảo sự kết nối cho dân cư hai bên dẫn đến phải điều chỉnh lại dự án và mỗi khi điều chỉnh lại dự án dẫn đến điều chỉnh ranh giải phóng mặt bằng so với quy mô dự án cũ và có sự giao thoa về chính sách giải phóng mặt bằng dẫn đến những khó khăn về giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, khi thay quy mô dự án và ranh giải phóng mặt bằng dẫn đến một số công trình như Rạch Dơi, Rạch Tôm không cân đối được nguồn vốn để đầu tư vì nguồn vốn dành cho ngành giao thông hạn chế nên Sở đang tính toán đưa những công trình này vào kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cụ thể là hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, hiện nay khi làm theo hình thức BT, phương án hoàn vốn để xây dựng các công trình này chưa tìm được phương án khả thi nên việc triển khai theo hình thức BT có nguy cơ kéo dài hơn phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách. Do đó, để đảm bảo tiến độ đồng bộ các cầu trên tuyến đường Lê Văn Lương, hai cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi, Sở đã đưa vào danh mục đầu tư công và ghi vốn chuẩn bị đầu tư trong năm 2018 do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư; hiện đang thuê tư vấn lập dự án, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư chậm nhất trước tháng 9/2018 để làm thủ tục khởi công trong năm 2019. Riêng với cầu Long Kiểng và Rạch Đĩa, dự kiến quý II/2018 triển khai.

Cầu Bà Hom nằm trên Tỉnh lộ 10 là một trong những công trình cầu yếu. Cầu Bà Hom nằm trên Tỉnh lộ 10 là một trong những công trình cầu yếu.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường khẳng định: Đối với những công trình đã đưa vào danh mục đầu tư trong chương trình giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, Sở sẽ bố trí nguồn vốn để thực hiện công trình. Trong 30 cầu yếu, Sở tiếp tục có chuyên đề để kiểm soát chặt chẽ về tiến độ vì nhiều công trình cầu nếu làm được sẽ đảm bảo về tải trọng đường bộ, cũng như giúp đảm bảo lưu thông về đường thủy như cầu Rạch Dơi khi xây dựng xong cầu mới sẽ xóa cầu thép, nâng tải trọng và khai thác luồng hàng hóa kết nối TPHCM - Long An thông qua sông Rạch Dơi, Kinh Lộ; cầu Ông Nhiêu, Tăng Long (Quận 9) ngoài việc xây dựng lại cầu và nâng khổ thông thuyền đảm bảo đường thủy lưu thông.

Đối với dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý mới, theo Sở Giao thông vận tải TP, hiện nay chủ đầu tư đang làm một số thủ tục để chuẩn bị khởi công dự án.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo