Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bế mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bế mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2015 và bế mạc phiên họp thứ 35.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo quyết toán quỹ BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư quỹ KCB BHYT, tổng số là 5.838 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật BHYT và điểm b khoản 4 Điều 6 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, phần 20% được để lại cho địa phương sử dụng là 1.167 tỷ đồng. Sau khi báo cáo quyết toán quỹ BHYT được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, ngày 29/12/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có các văn bản thông báo 20% số kinh phí dành cho KCB chưa sử dụng hết năm 2015 gửi cho từng địa phương.

Căn cứ số kinh phí chưa sử dụng hết được sử dụng tại địa phương, UBND cấp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phân bổ và sử dụng kinh phí trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Theo đó, phân bổ hỗ trợ quỹ KCB cho người nghèo 109.043 triệu đồng. Hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng (gồm người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương 294.555 triệu đồng. Mua trang thiết bị y tế phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ y tế; mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện: 763.497 triệu đồng.

Về sử dụng và thanh toán 763.497 triệu đồng mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh, đã hoàn thành việc thanh toán 230.077 triệu đồng đối với các trường hợp có đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán, thời hạn thanh toán theo quy định. Còn 518.389 triệu đồng tạm thời chưa thanh toán, trong đó, có 8 tỉnh, thành phố đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ, thủ tục và tạm ứng theo giá trị hợp đồng trong thời hạn 12 tháng, nhưng thanh toán sau thời hạn này, tổng số tiền phải thanh toán theo hợp đồng đã ký là 342.544 triệu đồng. Các địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh; các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho KCB. Có 2 tỉnh đã hoàn thành lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế cho các cơ sở KCB, tổng số kinh phí phải thanh toán là 4.523 triệu đồng. TPHCM đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 12 tháng, nhưng phê duyệt kết quả đấu thầu sau thời hạn 12 tháng (chưa tạm ứng, lắp đặt, bàn giao tài sản), tổng số tiền phải thanh toán là 171.322 triệu đồng, do phải giải quyết vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu nên kết quả lựa chọn nhà thầu chậm so với kế hoạch. Số còn lại 15.030 triệu đồng do các địa phương không sử dụng hết, được thu hồi chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng.

Với số tiền 518.389 triệu đồng tạm thời chưa thanh toán, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kết dư quỹ KCB BHYT năm 2015 đến hết ngày 30/6/2020. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật BHYT.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải, việc phân bổ và sử dụng phần kết dư Quỹ khám, chữa bệnh BHYT chỉ được đặt ra từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT năm 2014. Việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ khám, chữa bệnh BHYT là vượt quy định của Luật BHYT, do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Về số tiền 518.389 triệu đồng chưa thanh toán, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, về nguyên tắc, sau 12 tháng các địa phương không sử dụng hết sẽ phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này nên các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến có 11 địa phương chưa hoàn tất việc thanh toán theo quy định. Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản, các địa phương này đã ký hợp đồng mua sắm, nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh và các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và các lý do xin cho phép kéo dài thời gian thanh toán số kết dư của quỹ KCB cho 11 địa phương của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, phần lớn các địa phương trên là các tỉnh khó khăn, vì vậy, đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán đối với số tiền 518.389 triệu đồng đến hết 30/6/2020 và đề nghị UBTVQH yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này tại Kỳ họp thứ 8.

Bên cạnh đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và một số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, do số tiền 518.359 triệu đồng nói trên đã quá thời hạn thanh toán sau 12 tháng, vì vậy, phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo đúng quy định của Luật BHYT.

Phát biểu kết thúc phiên họp thứ 35, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào tháng 8, tháng 9 tới đây. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai tốt những công việc theo kế hoạch đề ra, không chủ quan dẫn đến tình trạng chậm trễ. Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là vào Phiên họp tháng 9/2019.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên thông với những cơ sở dữ liệu dùng chung, có tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan và tính kết nối, liên thông trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, kể cả ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp để phục vụ đất nước và nhân dân.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo