Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bế mạc Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quang cảnh bế mạc Phiên họp thứ 48.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 48. Được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất kinh doanh trong năm 2020; thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác tư pháp, hoạt động Kiểm toán cùng với một số báo cáo quan trọng khác. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh Thái Nguyên; việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 từ nguồn thu 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 của Bộ Công an; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Trong chương trình Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo về kết quả rà soát văn bản pháp luật, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; nghe Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế báo cáo kết quả 2 phiên giải trình về an ninh nguồn nước và phát triển điện lực đến năm 2030.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là việc quyết định bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Nhấn mạnh các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã chủ động sắp xếp thời gian công việc dự họp, tích cực tham gia ý kiến vào các dự án luật và các nội dung quan trọng trong Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện các bước tiếp theo, nhất là các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất kinh doanh trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP (quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước),  Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt được gần 4.000 quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước đến tháng 6/2020 khoảng 10,6 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở số liệu kê khai của khoảng 4.000 công trình khai thác từ các doanh nghiệp đã có giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước (trong đó, dự kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp khoảng 700 công trình, địa phương khoảng 3.300 công trình), ước tính, số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2020 khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó số tiền đã thu nộp đến tháng 6/2020 khoảng 600 tỷ đồng.

Thẩm tra Nghị quyết, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 chưa đảm bảo có đầy đủ căn cứ để ban hành chính sách do đối tượng hỗ trợ đã có phần trùng lặp với các chính sách trước đó của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho cả 3 nhóm đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Tài nguyên nước là quá rộng, dàn trải. Trong khi Tờ trình cũng như Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ không có số liệu cho thấy sự khó khăn trong sản xuất; tăng, giảm sản lượng sản xuất của các đối tượng, cũng như sự thua lỗ trong kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong đại dịch Covid-19 và không làm rõ số dự kiến nộp ngân sách nhà nước từ các đối tượng sử dụng tài nguyên nước trong năm 2020.

Có ý kiến cho rằng, trên thực tế các lĩnh vực sản xuất điện, nước sạch... là các đơn vị khai thác nguồn tài nguyên nước lớn nhất, không chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều của đại dịch Covid-19, việc sản xuất kinh doanh vẫn có lãi và đây là các hàng hóa thiết yếu sử dụng tài nguyên quốc gia cần được sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí. Do vậy, việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ không thực sự tác động đến người dân mà chủ yếu có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh có lãi.

“Để bảo đảm có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020, Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tình hình sản xuất kinh doanh của từng nhóm đối tượng, theo đó phân định các đối tượng thực sự khó khăn cần được hỗ trợ nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ của Nhà nước đúng đối tượng, không dàn trải và tránh trục lợi chính sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo