Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm bị lôi kéo, xúi giục

Các bị cáo xét xử tại phiên sơ thẩm ngày 7/9

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Chống người thi hành công vụ” và “Giết người” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành phần lớn thời gian để công bố cáo trạng truy tố 29 bị cáo (trú tại  thôn Đồng Mít và thôn Hoành).

Cuối buổi chiều 7/9, HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hà Nội bắt đầu thẩm vấn các bị cáo ở nhóm hành vi chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức.

Bị cáo Bùi Viết Hiểu (sinh năm 1943) là một trong những bị cáo lớn tuổi nhất hầu tòa bước lên bục khai báo. Trong quá trình bị cáo Hiểu trả lời thẩm vấn, HĐXX đề nghị cách ly các bị cáo còn lại ở nhóm hành vi trên. Trước cáo buộc của Viện Kiểm sát về hành vi phạm tội, bị cáo Bùi Viết Hiểu đã quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo này nói, từ năm 2012, bị cáo và ông Lê Đình Kình cùng các bị cáo khác thành lập “Tổ Đồng thuận” với mục tiêu chống tham nhũng ở địa phương. Theo lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu, “Tổ Đồng thuận” không có tính chất chống đối chính quyền hay phá hoại.

Liên quan tới sự việc xảy ra lúc rạng sáng ngày 9/1/2020 khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh khi làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, bị cáo Hiểu đã có những lời khai mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra. HĐXX ngay sau đó yêu cầu công bố đoạn clip ghi lại lời khai mà bị cáo trình bày với cơ quan điều tra, từ đó chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Từ lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu, HĐXX cũng xác định, bị cáo là người đầu tiên ném 2 “bom xăng” vào lực lượng chức năng.

Trong khi đó, con trai ông Lê Đình Kình là bị cáo Lê Đình Công lúc đầu phủ nhận việc bàn bạc kế hoạch để chống đối lực lượng chức năng khi về thôn Hoành. Tuy nhiên, ngay sau đó, bị cáo thừa nhận có chuẩn bị “bom xăng” và dao phóng lợn (tuýp sắt trên đầu gắn dao nhọn) và “chỉ đạo” các bị cáo Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Tuyển đi mua xăng, lựu đạn.

Bị cáo Lê Đình Công khai rằng, mục đích mua lựu đạn để giữ đất đồng Sênh. Chủ tọa chất vấn, tại sao giữ đất phải dùng tới lựu đạn? Bị cáo giải thích, việc này đã được mọi người bàn bạc, nếu lực lượng chức năng về đất đồng Sênh, thu hồi đất mà không chứng minh được việc thu hồi hợp lý sẽ dùng tới “bom xăng”, gạch đá, nếu có cưỡng chế sẽ dùng tới lựu đạn.

Tại tòa, Lê Đình Công thừa nhận các hành vi phạm tội và sau đó tỏ ra hối hận về cái chết của 3 chiến sĩ công an. “Khi biết sự hy sinh của 3 chiến sĩ, bị cáo rất hối hận, tại tòa hôm nay, cho bị cáo xin lỗi tới 3 gia đình chiến sĩ, mong muốn các gia đình tha thứ cho bị cáo. Bị cáo cũng đã thành khẩn nhận ra sai lầm của mình, mong muốn được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”, bị cáo Công nói. Các bị cáo còn lại trong nhóm hành vi cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trước đó, trong nội dung cáo trạng được đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội công bố cho thấy, mặc dù biết rõ đất cảnh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội là đất Quốc phòng đã được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận. Các cơ quan chức năng TP Hà Nội và Trung ương đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để dân hiểu và yêu cầu nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng từ năm 2013, Lê Đình Kình đã cùng Lê Đình Công và một số đối tượng tại xã Đồng Tâm thành lập “Tổ Đồng thuận”, mục đích để chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau. Các đối tượng trong “Tổ Đồng thuận” liên tiếp gây ra nhiều vụ gây rối, làm mất an ninh trật tự địa phương. Cao điểm các vụ việc gây rối, chống người thi hành công vụ là vụ việc xảy ra lúc rạng sáng ngày 9/1/2020, khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh.

Cáo trạng khẳng định, Lê Đình Kình cùng các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và Nguyễn Quốc Tiến giữ vai chủ chủ mưu, cầm đầu, vừa chỉ đạo các bị can khác vừa trực tiếp thực hiện tội phạm “Giết người”. Các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy là những người tham gia tích cực và trực tiếp thực hiện tội phạm “Giết người”.

Các bị cáo Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nổi, Bùi Thị Đục, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Đào Thị Kim, Lê Đình Quân, Bùi Văn Tiền, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Bùi Văn Niên, Mai Thị Phần, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung bị Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu xúi giục, lôi kéo, kích động nên đã tham gia đồng phạm về tội “Giết người” với vai trò giúp sức.

Các bị cáo Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị lôi kéo, kích động nên đã tham gia chống đối lực lượng công an, phạm vào hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo