Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Các thủ tục gắn với quyền lợi các ngành phải cương quyết cắt bỏ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng Quang phát biểu tại buổi làm việc

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 21/8, tại buổi làm việc với các bộ, ngành về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh: Các thủ tục gắn với quyền lợi các ngành phải cương quyết cắt bỏ; tinh thần là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, thực thi đầy đủ, triệt để các cải cách về điều kiện kinh doanh…

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đến nay, các bộ, ngành còn nợ đọng 14 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Trong số những văn bản nợ đọng, có 6 văn bản nợ quá lâu, quá chậm. Có những văn bản quá hạn 1-4 tháng, thậm chí có văn bản quá hạn 8 tháng. Việc nợ đọng văn bản khiến các luật có hiệu lực nhưng không có hướng dẫn cụ thể, trong quá trình thực thi rất khó khăn cho người thực hiện, đây là rào cản cần tập trung xử lý.

Về việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh và tình hình thực thi các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, vừa qua các bộ, cơ quan thực hiện rất quyết liệt, tham mưu Thủ tướng để trình, đưa ra phương án, đề xuất sửa các luật, trình Chính phủ ban hành các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh. Qua đó, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt bỏ hơn 6.776/9.926 thủ tục hành chính liên quan đến dòng hàng, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, vẫn còn không ít trường hợp chồng chéo khi hàng hóa phải cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý kiểm tra chuyên ngành do nhiều đơn vị cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, phản ánh của hiệp hội ngành nghề cho thấy, Thông tư 37 của Bộ Công Thương bắt buộc xét nghiệm hợp chất hữu cơ gây độc cho con người đối với sản phẩm dệt may khiến nhiều doanh nghiệp may mặc phân tâm. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, có ý kiến doanh nghiệp cho rằng nhiều nơi cắt giảm về số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có trường hợp còn kéo dài 1-3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.

Nêu quan điểm cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp để phát triển kinh doanh nhưng vẫn phải tăng cường công tác quản lý của Nhà nước, nhất là vấn đề liên quan đến xã hội, sức khỏe con người, quốc phòng an ninh phải kiểm soát chặt chẽ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng phải tạo bước đột phá vào những vấn đề khó, đi vào thực chất, tạo sự bứt phá; đồng thời đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành mang tính thực chất, không đưa định tính chung chung để tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng vặt, phải đưa các điều kiện lượng hóa. Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không khả thi trước quý III/2019.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo