Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2024

Cấm chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật

* Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết, nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu, không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC, chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và do lịch sử quy hoạch, xây dựng trước đây.

Để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định đối với các nhà ở thuộc các khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy tại 5 thành phố trực thuộc trung ương. Còn đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về phòng cháy đối với nhà ở sau khi chuyển đổi công năng sang nhà dùng để kinh doanh như kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Báo cáo giải trình nêu rõ, đối với nhà ở muốn chuyển đổi công năng như kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường phải thực hiện quy trình chuyển đổi công năng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Trường hợp nhà ở chuyển đổi công năng thành cơ sở (thuộc diện phải quản lý về PCCC) thì phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với cơ sở quy định dự thảo Luật. Mặt khác, dự thảo luật đã quy định hành vi cấm chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn PCCC. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo luật.

Về nguồn tài chính và ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động PCCC, cứu nạn, cứu hộ, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình phải chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình theo quy định của pháp luật và giao Chính phủ quy định mức phí cụ thể trong từng trường hợp.

UBTVQH cho biết, công tác chữa cháy là một nội dung trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, được nhà nước bảo đảm ngân sách thực hiện đối với các lực lượng theo quy định của pháp luật. Khi xảy ra cháy, nổ thì cơ quan, tổ chức, gia đình đã phải chịu thiệt hại nhất định về người và tài sản, nếu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình đó phải chịu một phần kinh phí khi lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình sẽ gia tăng khó khăn cho người dân sau khi đã bị thiệt hại về người, tài sản trong vụ cháy.

Vì vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về an ninh, trật tự và thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình.

Phiên họp Quốc hội sáng 29/11 Phiên họp Quốc hội sáng 29/11

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản với 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cho hay, về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung quy định: “Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 5 giấy phép cho cùng 1 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản”.

Về giấy phép khai thác khoáng sản, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm. Về nội dung này, UBTVQH cho rằng, khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.

Dự thảo luật đã quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trên thực tế, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn thành việc khai thác, kết thúc dự án. Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian khai thác khoáng sản (kể cả thời gian gia hạn) nhưng còn trữ lượng. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép được giữ quy định về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm thuận lợi, dễ dàng về thủ tục gia hạn giấy phép.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo