Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần có các chính sách hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ

Các đại biểu tham dự hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 13/9, tại TPHCM, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới”.

Tham dự có bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; ông Trịnh Minh Chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng nữ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, nữ lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành.

Hội thảo nhằm cung cấp góc nhìn toàn diện, đánh giá thực trạng nữ lãnh đạo quản lý ở Việt Nam hiện nay, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thành công và thách thức trong lãnh đạo quản lý của nữ cán bộ, trên cơ sở đó tìm các giải pháp nhằm xây dựng hình ảnh, thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Nghiên cứu về thực trạng nữ giới tham gia lãnh đạo ở Việt Nam, bà Vũ Phương Ly, cán bộ chương trình cao cấp UN Women (Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp chưa đạt chỉ tiêu quốc tế và quốc gia đã đặt ra, trong khi có nhiều nữ giới nắm các vị trí lãnh đạo cấp thấp hơn và càng ở cấp cao thì càng ít sự đại diện của nữ giới.

Cụ thể, kết quả Đại hội Đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020: tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tại cả 3 cấp cơ sở, huyện, tỉnh mặc dù có tăng hơn nhiệm kỳ trước, nhưng chưa đạt tỷ lệ 25% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,7%, tăng 2,62% so với nhiệm kỳ trước. Ở cấp xã, TPHCM là địa phương có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp xã cao nhất (chiếm 32,18%), tiếp theo là các tỉnh, TP như Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc bất bình đẳng giới hiện nay do trở ngại từ quy định chính sách (trong cơ hội đào tạo, bồi dưỡng cũng như quy định về nghỉ hưu, về đánh giá thi đua, khen thưởng…), đặc biệt là rào cản từ sự thay đổi quá chậm chạp của các chuẩn mực cũ và định kiến giới trong gia đình và cả cộng đồng, tư tưởng không chấp nhận phụ nữ có vị trí cao hơn nam giới…

Từ những bất hợp lý nêu trên, các đại biểu đề xuất cần rà soát lại các quy định của Đảng và Nhà nước về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu; xác định những bất hợp lý và bất lợi đối với phụ nữ khi thực hiện những quy định này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực; tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới; lồng ghép bình đẳng giới vào hệ thống giáo dục…

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo