Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần có quy định riêng để hạn chế ùn tắc giao thông tại các đô thị

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) -Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 48, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng, bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy tắc giao thông của các công trình đường bộ có tính chất đặc thù như: đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.

Việc sửa đổi, bổ sung này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các điều, các chương sẽ tạo nên các bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, nâng cao, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông; phân công, phân nhiệm chặt chẽ, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, gắn chiến lược phát triển giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đổi mới tổ chức giao thông đường bộ bảo đảm hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn thuận lợi cho hoạt động vận tải; hiện đại hóa công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điểm nổi bật trong dự luật là thay đổi về phạm vi điều chỉnh, theo đó dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định về giao thông đường bộ gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho hay, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành hai dự án Luật, vì cho rằng, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ, từ đó tách thành hai nội dung lớn là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời xây dựng thành hai dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Đa số ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật không quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, vì pháp luật hiện hành quy định: “Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%” và thực tiễn thực hiện cho thấy tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn nhiều so với quy định, nhất là Hà Nội và TPHCM mới chỉ đạt khoảng 9%.

Theo Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ này tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn khác chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực; hơn nữa, mật độ đường phố tại khu vực trung tâm cũng rất thấp, như khu vực nội đô Hà Nội chỉ đạt khoảng 0,74 km/km2; tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, mới chỉ đạt được dưới 1%.

Quang cảnh phiên làm việc Quang cảnh phiên làm việc

Có ý kiến cho rằng, quy định theo pháp luật hiện hành nêu trên chỉ áp dụng được cho đô thị xây dựng mới, còn những đô thị đã xây dựng từ trước thì việc áp dụng quy định trên sẽ không khả thi. Do đó, đề nghị cần có quy định riêng để hạn chế ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, nguyên nhân ùn tắc giao thông gia tăng ở các đô thị, nhất là ở Hà Nội và TPHCM hiện nay có phần do tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị quá thấp so với số lượng phương tiện giao thông, nhất là các đô thị xây dựng mới sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đồng thời, sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm… dẫn đến ùn tắc giao thông. Vì vậy, đề nghị quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị như Luật Giao thông đường bộ hiện hành, góp phần khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị. Quy định tỷ lệ như vậy cũng phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu hướng chung trên thế giới (mỗi quốc gia quy định tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị khác nhau, phổ biến là dành tỷ lệ từ khoảng 20% đến 25%).

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo