Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cân nhắc việc giao đơn vị sự nghiệp công lập do UBND cấp tỉnh được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Quang cảnh thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại điểm cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp 10 Quốc hội khoá XIV, chiều 23/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Cần quy định chặt chẽ về điều kiện của doanh nghiệp dịch vụ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 theo hướng quy định bao quát để phản ánh cơ bản đầy đủ các nội dung của dự án Luật. 

Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, như vậy đã bao hàm đầy đủ các nhóm đối tượng mà đại biểu Quốc hội đề nghị. Đồng thời, để tránh trùng lắp, xin phép Quốc hội không nhắc lại các quy định này trong dự thảo Luật.

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc biệt liên quan trực tiếp đến người lao động làm việc ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên cần quy định chặt chẽ về điều kiện của doanh nghiệp dịch vụ, trong đó có điều kiện đối với người đại diện nhằm không chỉ tăng cường quản lý “đầu vào” mà còn phải bảo đảm duy trì hoạt động tốt với mục tiêu chính bảo vệ người lao động, đồng thời, việc mở rộng thị trường có thu nhập cao cho người lao động hiện nay cũng đòi hỏi cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của người đại diện. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được quy định về thời gian 5 năm kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ như dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 8 Chương và 76 điều giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bãi bỏ 5 Điều, bổ sung mới 1 điều và 1 điều được tách thành 2 điều. “So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 34 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.”- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định.

Còn nhiều băn khoăn khác nhau về dự thảo Luật

Tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu còn nhiều boăn khoăn khác nhau về dự thảo Luật. Cụ thể, về đối tượng áp dụng; về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ; về tiền dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động...

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch trong thu, chi, sử dụng. Bên cạnh đó, cần làm rõ tuy là Quỹ ngoài ngân sách nhưng lại là đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Vì vậy cần làm rõ về mục tiêu, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; cơ sở của quy định trích 10% chi phí quản lý trong sự thống nhất và tương đồng với các quỹ khác.

Đối với quy định về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) cho rằng nên hạn chế số lượng 3 chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để không xảy ra tình trạng khó kiểm soát, tiêu cực, lừa đảo đã xảy ra thời gian qua.

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đa số các đại biểu đề nghị xem xét bổ sung việc Chính phủ quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc theo đặc thù một số quốc gia, thị trường và ngành nghề. Bên cạnh đó, giải trình rõ thêm về thời gian 5 năm kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ.

Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về việc có nên giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ về việc giao đơn vị sự nghiệp công lập do UBND cấp tỉnh thành lập và được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định như vậy sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập.

“Đối với những công việc nào xã hội có thể đảm đương được thì nên cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện, bởi thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt và nếu triển khai theo phương án này sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đã được cấp phép.” - đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong quản lý lao động ngoài nước rất cần quỹ này. Bản chất của quỹ như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường, giải quyết những vấn đề tranh chấp. Quỹ này chỉ chi vào những khoản mà Nhà nước không đầu tư hoặc Nhà nước có đầu tư, nhưng không đáp ứng và những tình huống cấp bách. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: trong thời gian tới, sau khi Quốc hội cho phép có thể sẽ phải ban hành nghị định hoặc nếu luật cho phép có thể giao cho Thủ tướng ban hành quyết định thành lập quỹ và giao cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy với tinh thần không tăng bộ máy và không tăng biên chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại phiên thảo luận

Về lao động đường biên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: đây là nội dung hoàn toàn khác không chi phối được trong Luật này. Vì vậy Chính phủ giao đã cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương xây dựng một nghị định để quản lý việc này, để đảm bảo minh bạch nhất, nhanh nhất nhưng có hiệu quả.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý và nhiều nội dung của Dự thảo Luật. Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất thêm một số vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Long Hồ

 

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo