Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần sự đồng lòng, nghiêm túc thực hiện và giám sát của nhân dân trong thực hiện giãn cách xã hội

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại một cuộc họp

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 28/7, đã diễn ra cuộc họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Thành ủy TPHCM có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP, tham dự có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.

Sử dụng robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp nhận ý kiến người dân

Trao đổi thông tin liên quan đến Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản – Vissan, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nguồn cung thịt gia súc cho TP thông thường 10.000 con heo/ngày. Những ngày qua, thực hiện Chỉ thị 16 các hoạt động giảm xuống, lượng tiêu thụ thịt gia súc cũng giảm, có thời điểm giảm còn 5 – 6. 000 con/ngày, có thời điểm chỉ còn 4.500 con/ngày. Tại TP bên cạnh Vissan còn nhiều nhà phân phối, cung cấp khác, lượng hàng của Vissan chiếm gần 10%. Đối với hệ thống phân phối hiện đại ngoài nguồn cung từ Vissan, còn có nguồn cung từ các đơn vị khác. Khi nguồn cung Vissan bị thiếu hụt, các đơn vị kịp thời cung ứng bổ sung vào nguồn hàng từ các đơn vị khác.

Mặt khác, Vissan đang tích cực đàm phán với đối tác để bổ sung nguồn cung. Dự kiến 3 ngày nữa, Vissan sẽ bổ sung cung ứng lại nguồn hàng này. Một trong những nguồn cung khác của hệ thống phân phối hiện đại là nguồn thịt đông lạnh dự trữ. “Việc mua hàng hóa không có tình trạng thiếu hàng, tăng giá đối với thịt gia súc.” - Đồng chí Nguyễn Nguyên Phương cho biết.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP

Liên quan đến việc tiếp nhận thông tin của người dân qua Tổng đài 1022, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết Tổng đài 1022 nhánh 2, tiếp nhận thông tin người dân gặp khó khăn do Covid – 19, hoạt động từ 22/7. Hiện tại tổng đài bố trí một ngày 3 ca, 4 kíp, mỗi ca có từ 20 – 30 tổng đài viên. Như vậy, 1 ngày có 120 tổng đài viên trực 24/24. Đến 0 giờ ngày 28/7, đã có hơn 217.700 cuộc gọi của người dân về tổng đài. Các tổng đài viên đã chuyển tiếp nhận xử lý hơn 12.100 cuộc. Trong số đó, các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức đã xử lý 70,2% số cuộc gọi đến. Như vậy tỷ lệ xử lý cũng rất cao.

Tuy nhiên bố trí tổng đài viên trực 24/24 với tổng số 120 người nhưng số cuộc gọi của người dân đến tổng đài thời điểm đầu quá lớn nên vẫn không đáp ứng được. Thực tế 1 số cuộc gọi đến vẫn không được tiếp nhận bởi tổng đài viên. “Giải pháp thời gian tới phối hợp Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin – Truyền thông là ứng dụng các công nghệ để tiếp nhận các cuộc gọi nhiều hơn, tăng lực lượng tình nguyện viên, tổng đài viên, giới thiệu thêm số tổng đài các sở ngành, quận huyện để người dân gọi trực tiếp các đơn vị, đang nghiên cứu thí điểm và dự kiến vài ngày tới sẽ đưa vào sử dụng robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Dự kiến mỗi giờ, robot này có thể tiếp nhận được 3.600 cuộc gọi của người dân. Hy vọng khi triển khai sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân khi gọi về tổng đài.” – Đồng chí Lâm Đình Thắng chia sẻ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị người dân TPHCM thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, ai ở nhà nấy, không đi ra ngoài khi không cần thiết. Ảnh minh họa (Ảnh: Hồ Trung) Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị người dân TPHCM thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, ai ở nhà nấy, không đi ra ngoài khi không cần thiết. Ảnh minh họa (Ảnh: Hồ Trung)

Trả lời câu hỏi về tiến độ tiêm vaccine phòng Covid - 19, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, đến 16 giờ chiều 27/7, TP đã tiêm gần 300.000 người. Với tốc độ này đảm bảo trong 2-3 tuần theo mục tiêu đề ra.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, định hướng hiện nay tập trung cho công tác điều trị. TP phân 5 tầng đáp ứng tình hình thực tế của TP. Với các F0 test nhanh dương tính không có triệu chứng, gia đình có điều kiện có thể chăm sóc tại nhà và khi có dấu hiệu trở nặng liên hệ với nhân viên y tế. Ngành y tế TP đang kết hợp đông tây y trong chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, tình hình dịch bệnh TP vẫn đang có diễn biến phức tạp, vì vậy Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP đánh giá, nếu không quyết liệt quyết tâm thực hiện đến cùng các quyết định, thì rất khó kéo giảm ca F0, hạn chế những thiệt hại do Covid - 19 gây ra.

Kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý các hạn chế

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, trong những ngày qua, TPHCM triệt để thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa ra đường sau 18 giờ. Người dân đã đồng tình, ủng hộ, tuân thủ rất tốt việc không ra đường sau 18 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, từ 6 giờ sáng đến 18 giờ, vẫn còn tình trạng người dân ra đường. Với mục tiêu giảm sự tiếp xúc, giảm nguồn lây, TPHCM tiếp tục hạn chế hơn nữa việc ra đường từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM, đặc biệt các cơ quan của TPHCM, thực hiện nghiêm việc giãn, giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại công sở. Chỉ duy trì tối đa không quá 1/3, định hướng bố trí tối thiểu nhất số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị. TPHCM khuyến khích các cơ quan tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà, hạn chế tối đa việc đi ra đường hàng ngày.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm; chú trọng xử lý cả các cấp các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đảm bảo giãn cách nhưng chưa thực hiện tốt, chưa làm hết trách nhiệm; kiểm tra các quận, huyện, kiểm tra các cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý các hạn chế.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị người dân TPHCM thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, ai ở nhà nấy, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với mọi người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết. Từng người dân, từng tổ chức thực hiện nghiêm. Đồng chí nhấn mạnh: “Ý thức của từng người dân chính là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất và không thể thay thế. Đây chính là yếu tố quyết định cho giãn cách được thực hiện triệt để, giúp TPHCM đạt được kết quả trong thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy”.

Đồng chí cho rằng, những biện pháp này do chính người dân thực hiện, cần sự đồng lòng, nghiêm túc thực hiện của người dân và có sự giám sát của nhân dân, của cộng đồng. Người dân cần giám sát xem lực lượng chức năng nào chưa thực hiện đúng chức năng, nhóm dân cư nào chưa thực hiện tốt giãn cách thì có thể phản ánh qua tổng đài 1022, qua đường dây nóng của xã, phường, quận, huyện để TPHCM xử lý nghiêm.

Liên quan đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, giãn cách xã hội càng lâu thì càng đòi hỏi phải đảm bảo trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu và chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đến giờ này, TPHCM đáp ứng tương đối nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, với tinh thần không chủ quan, TPHCM sẽ tiếp tục bổ sung nguồn hàng, tăng điểm cung ứng hàng, đảm bảo cung ứng hàng về tận xã, phường, thị trấn.

Đồng chí chia sẻ, trong hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, TPHCM đã nhận sự giúp đỡ lớn từ người dân các tỉnh, thành trong cả nước. TPHCM tiếp nhận, điều phối, chuyển tới từng khu phố, từng điểm phong tỏa, từng người dân. TPHCM cũng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ không đăng ký tạm trú trên địa bàn TPHCM để có hình thức hỗ trợ phù hợp. TP cũng đang hình thành trung tâm tiếp nhận, điều phối hàng cứu trợ tới từng xã, phường, thị trấn và từ đó tới từng khu phố, từng khu nhà trọ, từng nơi sinh sống của công nhân, người lao động. Đặc biệt, TPHCM cố gắng không bỏ sót các khu nhà trọ, nơi đông công nhân, người lao động sinh sống.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, hiện có tình trạng nhiều công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương muốn trở về quê và đi ngang qua TPHCM trong thời điểm giãn cách xã hội. Để tránh tình trạng khó khăn khi về quê ở địa bàn giáp ranh với TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, công nhân, người lao động cần liên hệ với chính quyền địa phương để các địa phương tổ chức chu đáo việc về quê thuận lợi hơn, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trả lời câu hỏi các chuyên gia có kịch bản gì cho TPHCM và đến ngày 1/8 có thể kết thúc đợt giãn cách, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đến giờ này có nhiều ý kiến về việc này. Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM đang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM và văn bản 1468 của UBND TPHCM, đồng chí cho biết: Sau ngày 1/8, TPHCM sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách. Thời gian đó có thể 1 tuần, hoặc 2 tuần. Đến ngày 1/8, TPHCM sẽ đánh giá hiệu quả các giải pháp đã thực hiện thời gian qua và có chủ trương, chỉ đạo cụ thể cho thời gian sắp tới.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo