Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần thêm nhiều giải pháp để thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/8, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp thứ nhất của Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực (thuộc Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh). Phiên họp do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực, chủ trì.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, cùng các thành viên Ủy ban; các chuyên gia; đại diện một số trường đại học và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, kết quả khảo sát vào tháng 6/2021 cho thấy, tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác nổi bật nhất giữa trường đại học - doanh nghiệp trong đào tạo là hoạt động tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập (gần 90%). Kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc các doanh nghiệp tham gia góp ý cho chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy chủ yếu dừng lại ở mức độ 30%, tập trung chủ yếu vào việc chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ năng cho sinh viên, đánh giá đầu ra và xây dựng chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo. Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vai trò của mình đối với quá trình đào tạo nhân lực.

Đáng chú ý, không nhiều cơ sở giáo dục đại học có hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải là từ chiến lược dài hạn (78% so với 22%). Mức độ hợp tác chủ yếu là ở “sự hiểu biết phát triển ban đầu” hoặc “hợp tác ngắn hạn”. Chỉ có một số trường đại học đang lần lượt được coi là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của các doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn khó khăn, báo cáo cho rằng  hạn chế từ cơ chế chính sách chiếm tới 42%.

Báo cáo chuyên đề đề xuất các nhóm chính sách hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp. Trong đó, hàng đầu là nhóm giải pháp chính sách cải thiện môi trường thông tin. Theo đó, xây dựng môi trường thông tin minh bạch về cung - cầu nhân lực chất lượng cao là yêu cầu bức thiết hiện nay. Cụ thể, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy vết sinh viên tốt nghiệp.

Bên cạnh đó là nhóm giải pháp chính sách tạo động lực giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Cần có một cơ quan chuyên trách về việc tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia, trong đó, có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng như đại diện doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến nhóm giải pháp chính sách phát triển đại học tự chủ sáng tạo, khởi nghiệp. Ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho trường đại học trong việc triển khai xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau.

Tại phiên họp, từ thực tế triển khai, đại diện các trường đại học đã chia sẻ bài học thành công và cả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp để tăng cường hiệu quả của mối quan hệ hợp tác này. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường FPT, cho rằng, bên cạnh các chính sách khích lệ, động viên, kết nối, thúc đẩy, cần một số yêu cầu mang tính bắt buộc. Đơn cử như với nhà trường, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cần là một tiêu chí trong kiểm định.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho rằng, đầu tư nguồn lực tài chính cho các nghiên cứu khoa học của trường cần thiết phải có quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp mới; đề xuất về quỹ đầu tư mạo hiểm đã được nhiều lần đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế để hiện thực hóa.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, cần phải tính đến các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn, chặt hơn, liên thông hơn, hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích hơn. 3 góc độ lớn được Bộ trưởng nhấn mạnh xem xét về các chính sách, gồm:  hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; mảng đào tạo; sử dụng nguồn lực. Về kiến nghị của đại diện Viettel, Bộ trưởng cho biết sẽ xem xét đến việc có cơ chế thí điểm cho quỹ đầu tư mạo hiểm.

Riêng về vấn đề đào tạo đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần khuyến khích tăng cường chính sách để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hoạt động đào tạo của nhà trường. Cần hình thành các chương trình đào tạo với sự tham gia mật thiết từ 2 phía, thậm chí tính đến khả năng đào tạo theo địa chỉ - đào tạo tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhiều hơn sự tham gia của các nhân lực công nghệ và kỹ thuật trong các chương trình đào tạo và doanh nghiệp; tạo điều kiện cho nhà khoa học tham gia nhiều hơn trong quy trình của doanh nghiệp; tăng số sinh viên thực tập tại doanh nghiệp lên cũng như bảo đảm việc thực tập thực chất hơn…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo