Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cao cả hơn thầy thuốc

(Ảnh minh họa: nguồn Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong thời gian gần đây, dường như các bức xúc với thầy thuốc, với bệnh viện ít nhiều đã giảm đi. Hiện tượng người nhà bệnh nhân vì sốt ruột trước thái độ của y bác sĩ mà hành hung các nhân viên y tế trong bệnh viện đã giảm hẳn. Tình trạng kêu ca bác sĩ “khám quá nhanh” cũng ít được nhắc tới. Hiện tượng quá tải ở nhiều bệnh viện vẫn còn nhưng tình trạng nằm chen chúc nhau hay điều kiện vệ sinh xuống cấp trong bệnh viện cũng đã được khắc phục nhiều… Đó là vài trong số nhiều điểm sáng của các bệnh viện, của đội ngũ y bác sĩ. Kết quả này có sự tác động từ công tác quản lý nhà nước, mà cao nhất là việc điều hành của Bộ Y tế, sự phản ánh của các cơ quan truyền thông, sự phản hồi của bệnh nhân và người nhà trên các trang mạng xã hội…, đồng thời có cả sự tự điều chỉnh của chính các bệnh viện, của các thầy thuốc và nhân viên y tế trong đó có nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cải thiện thái độ phục vụ người bệnh của các y, bác sĩ.

Bên cạnh đó, có một số hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo được thực hiện trong các bệnh viện được dư luận đánh giá cao bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thậm chí có những trường hợp làm lay động lòng người. Có bệnh viện đã nuôi trẻ sơ sinh do mẹ sinh rồi bỏ lại bằng sự chung tay góp sức của các nhân viên y tế, kể cả có trường hợp trẻ sinh non, bị bệnh… Có bệnh viện đã tận tình cứu chữa bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bị bệnh hiểm nghèo trong khi chưa có người thân, chưa đóng viện phí bằng nguồn kinh phí từ quỹ từ thiện – xã hội của bệnh viện, từ đóng góp của các cá nhân hảo tâm, sau đó tìm cách thông báo để người thân đến chăm sóc. Có bệnh viện đã tổ chức các “phiên chợ 0 đồng” từ nguồn hàng vận động được để bán (thực chất là tặng) cho các bệnh nhân nghèo và người thân của họ. Có nhiều bệnh viện tổ chức nấu các suất ăn từ thiện (cơm, cháo…) cho bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh, bằng kinh phí vận động và sự đóng góp của chính nhân viên trong bệnh viện. Có nhiều bệnh viện tổ chức hiến máu nhân đạo định kỳ để bổ sung nguồn dự trữ máu cho mình và các cơ sở y tế khác, vận động cả nhân viên trong bệnh viện, người đang nuôi bệnh và các lực lượng khác cùng tham gia… Những hoạt động đó hiện đã thực hiện khá rộng rãi ở nhiều bệnh viện, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng hình ảnh bệnh viện không chỉ là nơi khám chữa bệnh mà còn là nơi giúp đỡ vật chất, tinh thần, nơi khơi gợi niềm tin và sự lạc quan trong cuộc sống cho người bệnh và nhiều người khác.

Ngày trước, hầu như ai cũng ám ảnh không khí, điều kiện trong bệnh viện. Bởi không chỉ với mùi cồn thuốc đặc trưng, sự kém vệ sinh, sự đông đúc, ngột ngạt, kể cả nạn móc túi rạch giỏ hay “chặt chém” từ việc kê toa không có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế để phải ra nhà thuốc mua cho đến các căn tin vừa bán mắc vừa kém chất lượng mà nhiều người rất ngại sự lạnh lùng của nhân viên y tế, sự “phải quấy” với bác sĩ để được khám kỹ càng hay được xếp lịch mổ sớm cho đến việc “biết điều bắt buộc” đối với nhân viên vệ sinh, điều dưỡng… Hiện nay, về cơ bản, các hiện tượng trên đã giảm nhiều, không chỉ từ các nỗ lực chấn chỉnh quyết liệt của ngành hay sự phát triển của mạng xã hội có thể “tố cáo” bất cứ hành vi nào sai trái mà còn cả ý thức được nâng lên của các cá nhân làm việc trong bệnh viện. Thiên chức “thầy thuốc phải như mẹ hiền” đã được thực hiện khá nghiêm túc, đồng thời bệnh nhân, thân nhân người bệnh đã được xem là khách hàng, là đối tượng phục vụ hơn là đối tượng để ban ơn, để “móc túi” vô tội vạ.

Đặc biệt, trong suốt hơn 1 năm phòng chống đại dịch Covid-19, các thầy thuốc đã khẳng định mình thực sự là những chiến sĩ trong tuyến đầu chống dịch và đã được người dân tin yêu, kính phục. Trong khi mọi người “ai ở đâu thì ở yên đó”, các bác sĩ và nhân viên y tế lại xông pha vào vùng dịch để cứu chữa người dân, giúp đỡ địa phương phòng chống dịch. Trong khi nhiều người đều tránh xa người có nghi vấn dịch thì các bác sĩ lại truy vết và tìm cho bằng được người đó, tiếp với họ, động viên họ khai báo lịch trình di chuyện, thăm khám, tìm hiểu sức khỏe và thực hiện các biện pháp xử lý chuyên môn. Trong khi nhiều người sau giờ làm việc được về với gia đình thì một số y bác sĩ phải làm việc trong vùng dịch, trong phòng làm việc cách ly, ở trong khu cách ly, chỉ có thể trao đổi qua điện thoại, chia sẻ nhau qua nụ cười, ánh mắt… Nhiều người đã ví các thầy thuốc như các thiên thần chống dịch!

Tất cả những điều đó là một bước tiến dài để có lúc, có nơi, có không ít bác sĩ thực sự đáng được nhìn nhận là cao cả hơn cả thầy thuốc. Bởi ở đó, họ không chỉ là thầy thuốc tận tâm mà còn là người thân của người bệnh, là người giúp đỡ những khó khăn cho người bệnh, là người đồng hành với nỗi đau của bệnh nhân và sự nhọc nhằn của thân nhân, là chuyên viên tư vấn tâm lý để xoa dịu những nỗi đau khôn tả của bệnh nhân, là những chiến sĩ bảo vệ người dân bằng kiến thức, bằng kim tiêm… Nhân Ngày Thầy thuốc, chúng ta không thể quên họ, không thể không tri ân họ và phải chia sẻ với những khó khăn mà họ đã và đang chịu đựng để thực hiện tốt thiên chức cứu người của mình.

Nguyễn Minh Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo