Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tăng 17 bậc

Kiểm tra, làm thủ tục xuất nhập khẩu. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo Bộ Tư pháp, năm 2019, Việt Nam cải thiện mạnh mẽ về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về “Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật” (chỉ số B1), xếp thứ 79/141 nước, tăng 17 bậc so với năm 2018.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao chủ trì, đó là “Nâng xếp hạng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật."

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực trong hành động của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương, chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, góp phần nâng cao thứ hạng về cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019, công bố ngày 8/10/2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3,4 điểm trên thang điểm 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018 xếp thứ 96/140 nước).

Như vậy, năm 2019, Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 so với năm 2018. Điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này.

Kết quả tích cực đạt được trong năm 2019 của Việt Nam theo đánh giá của WEF về điểm số và xếp hạng chỉ số B1 sẽ tạo những tiền đề thuận lợi để Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục duy trì, cải thiện chỉ số B1, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm tiếp theo.

Chỉ số B1 có thể hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận (thông qua trả lời câu hỏi khảo sát) về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật (làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật: chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý; chi phí không chính thức), được xếp theo thang bậc đánh giá tính từ mức 1 (kém nhất) đến mức 7 (tốt nhất).

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo