Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chính phủ sẽ trình Quốc hội về Chương trình phục hồi kinh tế tại kỳ họp bất thường sắp tới

Thiếu tướng Tô Ân Xô phát biểu tại cuộc họp báo.

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 2/12, tại họp báo thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 11, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thông tin về nội dung Chương trình phục hồi kinh tế, kế hoạch mở lại đường bay quốc tế.

Theo đó, về Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển xã hội mà Chính phủ xây dựng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ giao Bộ KH-ĐT xây dựng, đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện. Chính phủ sẽ thảo luận, thống nhất và trình ra Quốc hội tại kỳ họp đột xuất của Quốc hội vào tháng 12 này.

Về mặt nội dung, Chương trình có 5 nhóm giải pháp chủ yếu: y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính. Các giải pháp đã cơ bản bao quát hết lĩnh vực cần phải được hỗ trợ, cũng như các mấu chốt của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh, hướng tới phát triển. Thời gian dự kiến áp dụng là khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu vào năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh và thực tế triển khai có thể kéo dài thêm, như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam với quy mô lớn thì khó hoàn thiện trong 2 năm...

Về nguồn lực thực hiện, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, nếu chi phí không đủ thì thời gian sẽ phải kéo dài, nên chúng ta sẽ tính toán để bảo đảm quy mô đủ lớn, giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài nhằm thực hiện hiệu quả. Do Quốc hội chưa thông qua nên chưa thể công bố các giải pháp, công cụ về tiền tệ, tài khóa của chương trình phục hồi kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, giải pháp tiền tệ, tài khóa là đủ mạnh, đồng thời sẽ huy động mạnh mẽ các nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân, các quỹ…

Phiên họp báo Chính phủ tối 2/12. Phiên họp báo Chính phủ tối 2/12.

Về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đây là nhu cầu thực tế khách quan, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng muốn mở để bảo đảm giao thương, đi lại. Dự kiến đầu tháng 12 có thể mở một số đường bay. Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch về nội dung này và báo cáo Thủ tướng ngày 8/11, trong đó đưa ra những quốc gia mà Việt Nam dự kiến liên kết mở đường bay quốc tế, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác. Tuy nhiên, do biến thể Omicron mới nên các quốc gia cũng đang tính toán lại. Trên cơ sở làm việc, thảo luận kỹ với các nước thì các bộ ngành sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định.

Về vụ án liên quan đến nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, với các vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao, ngoài các thủ tục điều tra theo quy định, Bộ Công an đều xem xét rất kỹ càng quá trình vi phạm của cán bộ, người có chức có quyền. “Ban Thường vụ Đảng ủy Công an đã xem xét rất kỹ, cẩn trọng trong từng vụ việc, nhất là khi đưa ra quyết định khởi tố người có ảnh hưởng, có chức, có quyền hạn. Bộ trưởng yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm để làm rõ vi phạm. Nếu người đó quyết định vì cái chung, không sai, không tiêu cực sẽ xem xét một cách khác. Còn nếu vụ việc có ăn chia, biểu hiện tiêu cực thì phải xử lý. Nhưng rất cân nhắc các biện pháp tố tụng như bắt hay không bắt", Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.

Với vụ việc của ông Trương Quốc Cường, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma. Trong đó, nhiều lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm. Ông Trương Quốc Cường được xác định gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng. “Vụ án liên quan đến Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đang được các cơ quan tố tụng tiến hành các biện pháp rất chặt chẽ”, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo