Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định việc xây dựng luật này nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Dự thảo Luật có các điểm mới, gồm: quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật mở rộng phạm vi và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư; bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính, có sự phân giữa kiểm tra và giám sát của Nhân dân.

Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ; có sự phân biệt giữa kiểm tra và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, dự thảo Luật bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; có sự phân biệt giữa kiểm tra và giám sát của người lao động; bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

Dự thảo Luật lần này có quy định về thanh tra Nhân dân bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung đang được quy định tại Luật Thanh tra. Tuy nhiên, thanh tra Nhân dân có những điểm khác biệt về cách thức thành lập, nguyên tắc tổ chức hoạt động và thẩm quyền so với cơ quan thanh tra nhà nước. Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định thanh tra Nhân dân trong luật này.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để thể hiện rõ và đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong từng chương của dự thảo Luật quy định về việc thực hiện dân chủ tại từng loại hình cơ sở cần quy định rõ quyền của người dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định, được kiểm tra, giám sát, được thụ hưởng, các vấn đề phải được công khai để người dân biết, vấn đề người dân được tham gia ý kiến và được quyết định.

Ủy ban Pháp luật tán thành việc chuyển quy định về thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo luật này. Đề nghị nghiên cứu có phương án phù hợp hơn về tên gọi “Ban Thanh tra nhân dân” để phản ánh đúng bản chất của chế định này là hoạt động giám sát của người dân, tránh nhầm lẫn với hoạt động thanh tra của Nhà nước.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo