Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – Nhìn từ góc độ kinh tế và pháp lý

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 30/11, Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Khía cạnh kinh tế và pháp lý của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nền kinh tế số” thông qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến qua Zoom và truyền hình trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà quản lý các ngân hàng thương mại, luật sư và giảng viên, học viên nghiên cứu và quan tâm trong lĩnh vực này.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia trình bày, trao đổi các nghiên cứu của mình về kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, từ đó tìm ra những hạn chế, bất cập đang là rào cản cho quá trình phát triển của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nước. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, thách thức trong việc áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực tài chính - tiền tệ, các đóng góp của hội thảo gợi ý việc cần phải làm cho sự phát triển mạnh mẽ nhưng lành mạnh của hoạt động tài chính - tiền tệ dựa trên nền tảng công nghệ số ở Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số mà Đại hội XIII và Nghị quyết 52 của Bộ chính trị đã đặt ra.

Những tiến bộ khoa học công nghệ trong thập niên gần đây đã dẫn đến việc toàn bộ hệ sinh thái xã hội đang chuyển dần sang các nền tảng số hóa, ngày càng có nhiều phụ kiện thanh toán điện tử dành cho người mua và người bán trong các giao dịch hàng ngày. Việc số hóa thanh toán nâng cao hiệu quả về chi phí và thời gian nhưng cũng có thể gây ra những thách thức về pháp lý và an ninh cũng như có những tác động nhất định đến sự ổn định tài chính và truyền dẫn chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu xem xét việc phát hành các loại tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) như một giải pháp cung cấp công cụ thanh toán kỹ thuật số trên nền kinh tế hiện đại.

GS.TS Trần Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và tài chính, Trường ĐH Kinh tế-Luật, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, ĐH Quốc gia TPHCM (IBT) đã đưa ra các vấn đề về phát triển CBDC trên thế giới, tuy nhiên cần xem xét sâu hơn những vấn đề đặt ra với Việt Nam như  phát hành CBDC, hình thức thanh toán và mức độ hiện đại của hệ thống thanh toán ở nước ta, việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, các vấn đề rào cản công nghệ, phát triển CBDC để thúc đẩy phát triển công nghệ cao, nền tảng kinh tế số và hỗ trợ thống kê trong khu vực chưa quan sát cũng cần được nghiên cứu thêm.

Các chuyên gia bày tỏ mối quan tâm đến các rủi ro trong việc phát hành tiền kỹ thuật số tại Việt Nam hiện nay Các chuyên gia bày tỏ mối quan tâm đến các rủi ro trong việc phát hành tiền kỹ thuật số tại Việt Nam hiện nay

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Khoa Quản trị, Trường ĐH Luật TPHCM, thời gian qua, tiền ảo, đặc biệt là tiền kỹ thuật số đã được sử dụng ở nhiều quốc gia như là tài sản và là công cụ thanh toán chung, nhưng Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh. Những hệ lụy từ việc thiếu hành lang pháp lý đối với tiền ảo như rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo,… đã và đang diễn ra ngày càng tinh vi và có tính quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu tiền ảo trên cơ sở tác động của nó đối với chính sách tiền tệ, đánh giá sự ảnh hưởng của tiền ảo đối với nền kinh tế và đưa ra những giải pháp pháp lý cho việc điều chỉnh tiền ảo là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc ngân hàng trung ương sẽ thực hiện việc chuyển đổi từ tiền mặt sang tiền kỹ thuật số vào nền kinh tế như thế nào là một trong những vấn đề tiên quyết cần phải giải quyết khi triển khai và phát triển CBDC tại Việt Nam…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng bày tỏ mối quan tâm đến các rủi ro về ba phương diện chính sách, công nghệ và nhu cầu thị trường. Các đại biểu cho rằng trước hết cần có sự thống nhất các thuật ngữ để từ đó đưa ra quy định pháp luật phù hợp. Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cho rằng ba thuật ngữ “tài sản ảo”, “tiền ảo” và “tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương” là ba khái niệm hoàn toàn khác nhau, trong đó ngân hàng trung ương với nhiệm vụ phát hành tiền kỹ thuật số sẽ giữ vai trò chủ đạo, đồng thời là trung tâm thanh toán nhưng vẫn giữ vai trò độc lập so với các ngân hàng thương mại.

Anh Huy - Kiều My


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo