Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chuyện tình Khau Vai - sắc màu Tây Bắc giữa lòng thành phố

Nhiều phong tục tập quán vùng cao nguyên Đồng Văn được tái hiện trong vở cải lương Chuyện tình Khau Vai

(Thanhuytphcm.vn) - Sau 3 suất diễn ra mắt trong tháng 6 vừa qua, vở cải lương Chuyện tình Khau Vai (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Triệu Trung Kiên) đã trở lại với khán giả tại Nhà hát TPHCM (Quận 1) trong hai đêm 25 và 26/7.

Đây được xem như bước thăm dò khán giả tiếp theo để Sân khấu Cải lương mới Đại Việt có những điều chỉnh phù hợp, chuẩn bị cho những dự án kế tiếp.

Hơn cả một chuyện tình

Như chính tên gọi, Chuyện tình Khau Vai trước tiên là câu chuyện tình đã làm nên huyền thoại “Chợ tình Khau Vai” của cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang. Chuyện kể về mối tình trắc trở của chàng Ba - chàng trai người Nùng hiền lành, dũng cảm nhưng nghèo khó - và nàng Út - cô con gái xinh đẹp, nết na của Tộc trưởng người Giáy quyền quý, cao sang. Vì những luật tục khắt khe của người khác tộc, vì ngăn cách thân phận hèn sang, chàng Ba - nàng Út không thể ở bên nhau, chỉ có thể nguyện chết cùng nhau. Cảm thương mối tình tuyệt đẹp, đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá đã chọn ngày 23/7 Âm lịch hàng năm - ngày hẹn hò của chàng Ba và nàng Út ngày trước - là ngày những đôi tình nhân không nên duyên được với nhau có thể tìm gặp “người cũ” để tâm sự, thăm hỏi, sẻ chia nỗi lòng dù cả hai đều đã có gia đình riêng. Chợ tình Khau Vai ra đời từ đó, ghi dấu một phong tục vô cùng độc đáo của đồng bào vùng cao Hà Giang.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết, anh gần như bị mê hoặc bởi một huyền thoại quá đỗi trữ tình và mong muốn kể cho cả thế giới biết về một “Romeo và Juliet của cao nguyên đá”. Thậm chí câu chuyện của chàng Ba - nàng Út còn hấp dẫn hơn với sự ra đời của một tập tục rất nhân văn khi chợ tình Khau Vai cho phép con người được nuôi dưỡng những kỷ niệm, những tình cảm sâu sắc của mối tình đầu.

Nhằm làm rõ thêm ý nghĩa của chợ tình Khau Vai, đạo diễn Triệu Trung Kiên cũng đào sâu thêm các tuyến nhân vật để Chuyện tình Khau Vai có thêm những chuyện tình đáng nhớ. Trong đó, hình ảnh những người phụ nữ - nàng Út, bà Liểng (mẹ chàng Ba), bà Tộc trưởng (mẹ nàng Út), vợ chàng Ba - hiện lên với tất cả vẻ đẹp đằm thắm mà mãnh liệt, đều yêu sâu sắc, đầy chịu đựng và vô vàn vị tha. Có lẽ chỉ có lòng vị tha, thông cảm, chia sẻ cùng nhau mới khiến những con người nơi đây đủ sức mạnh để sống, để yêu giữa muôn trùng đá núi!

Nỗ lực của một sân khấu mới

Chuyện tình Khau Vai gây ấn tượng mạnh bởi màu sắc văn hóa mới lạ. Đạo diễn Triệu Trung Kiên đã thực sự đưa cả “đất trời Tây Bắc” về giữa lòng một TP phương Nam. Bên cạnh bối cảnh, phục trang của các dân tộc được thiết kế tỉ mỉ từng chi tiết là những phong tục tập quán của vùng cao Tây Bắc - cảnh họp chợ, hội xuân, tế lễ, lễ cưới… - được tái hiện sinh động qua những vũ điệu và âm nhạc đặc trưng.

Trước đó, để chuẩn bị cho vở diễn, các nghệ sĩ đã có chuyến đi thực tế đến Hà Giang tìm hiểu chợ tình Khau Vai. Đây là điều rất hiếm đối với hoạt động sân khấu cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn - kể cả ở các đoàn nhà nước được đầu tư mạnh. Nhưng cũng là nỗ lực cần thiết mà Sân khấu Cải lương mới Đại Việt hướng đến với mong muốn xây dựng những tác phẩm cải lương chất lượng, sáng tạo, được đầu tư bài bản về mọi khâu cả nội dung lẫn hình thức.

Hiện nay, với sự hợp lực của các nghệ sĩ cả hai miền Nam - Bắc mà “đứng mũi chịu sào” là NSƯT - đạo diễn Triệu Trung Kiên, nghệ sĩ Quang Khải và soạn giả Hoàng Song Việt, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt đang đi những bước đầu tiên trong hành trình tìm lại khán giả cho sân khấu cải lương. Vở diễn ra mắt Chuyện tình Khau Vai, có sự kết hợp cả nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc, đã tạo được ấn tượng tốt với giới chuyên môn, truyền thông lẫn công chúng, đòi hỏi những tác phẩm tiếp theo phải đảm bảo được chất lượng, cũng như đáp ứng tiêu chí “mới” mà Đại Việt tự đề ra.

Được biết, dự án nối tiếp của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt là Đoạt hồn - một vở diễn hứa hẹn nhiều thú vị trong nội dung và dàn dựng khi khai thác thế giới “sau bức màn nhung” với những triết lý về quan điểm nghệ thuật, thế giới hậu trường và hình tượng người nghệ sĩ.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo