Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất

Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 15/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đến dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực. Tại điểm cầu TPHCM, đến dự có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phan Kiều Thanh Hương.

Khắc phục ách tắc, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, ngày 16/8, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghe báo cáo về những chính sách mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và trao đổi một số nội dung về kế hoạch tổ chức phản biện xã hội. Theo đó, đa số ý kiến đánh giá Dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; chưa tạo không gian mới, động lực cho phát triển... Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai,… cần quy định rõ hơn…

Đa số các đại biểu cũng cho rằng, Luật Đất đai (Sửa đổi) cần thể chế đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Quy định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội.

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phạm vi lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, Điều 46 quy định cụ thể hơn về phương thức, cách thức tham vấn ý kiến người dân, trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân, trường hợp phải lấy phiếu đến từng hộ dân, phương án giải quyết khi đa số hộ dân không đồng tình. Do vậy, đề nghị quy định về việc người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp đến từng hộ gia đình, hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân.

Đối với hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch giảm khiếu kiện, các đại biểu nhấn mạnh: cần hoàn thiện các bước trong quá trình thu hồi đất trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, khoa học, chặt chẽ và công bằng.

Đồng thời, quy định chi tiết về thành phần và chức năng nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và tính thống nhất trong thành lập, hoạt động của Hội đồng; bổ sung cả nội dung giao nhiêm vụ lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm để người dân biết cụ thể nhiệm vụ của từng chủ thể, thuận lợi cho việc giám sát của nhân dân và trách nhiệm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho nguời dân.

Bên cạnh đó, cần quy định chi tiết cụ thể về lấy ý kiến và phản hồi ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Xây dựng nguyên tắc “chi trả một lần và trả đủ số tiền theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”; Quy đinh chi tiết về công tác cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cụ thể về chủ thể thực hiện, quy trình và phương án cưỡng chế. Về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất cần bổ sung quy định chi tiết về phương án cưỡng chế; Xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể và quy định chi tiết xử lý sai phạm trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Cụ thể hóa các tiêu chí, điều kiện khi Nhà nước thu hồi đất

Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các đại biểu cho rằng, cần cụ thể hóa trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng; bồi thường theo giá thị trường và xác định rõ nguồn gốc đất.

Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, trong một dự án chỉ áp dụng một hình thức thu hồi đất.

Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, các ý kiến cho hay đây là vấn đề phức tạp, đan xen lợi ích, dựng tiếp tục đánh giá thêm tác động để hoàn thiện nội dung này. Ngoài ra, đối với trường hợp dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại vừa thuộc đối tượng thu hồi đất, vừa thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng thì cần có quy định cụ thể khi nào thực hiện thu hồi đất, khi nào thực hiện nhận chuyển nhượng; đồng thời giải quyết đồng bộ các vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng...

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo