Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Còn ý kiến khác nhau về thành lập thêm cơ quan giám định tư pháp

Quang cảnh phiên thảo luận về các dự án Luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Trưng cầu giám định phù hợp với tính chất chuyên môn, khoa học

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp quy định về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định; thời hạn giám định; yêu cầu đối với nội dung trưng cầu và kết luận giám định; tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định…

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là cần thiết, nhằm thực hiện chức năng, quy định của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, bảo đảm tính khách quan khi có kết luận giám định khác nhau của các tổ chức giám định, bởi nếu bị can, bị cáo tố cáo kết quả giám định của tổ chức giám định khác thì phải có phòng giám định độc lập đứng ra thực hiện, bảo đảm minh bạch, khách quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu ý kiến cần mở rộng hơn chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động giám định tư pháp. “Chỉ có một cơ quan giám định về âm thanh, hình ảnh nên nếu có dấu hiệu giám định không khách quan, để xảy ra khiếu nại thì các cơ quan tố tụng không thể trưng cầu giám định lại”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng phản đối thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự tư pháp tại Viện Kiểm sát Nhân dân  tối cao. Các  đại biểu này cho rằng: Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nếu làm thêm công tác giám định nữa thì không khách quan và không phù hợp với quan điểm tinh giản bộ máy, mà phát sinh biên chế bộ máy.

Báo cáo giải trình làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao sẽ đẩy nhanh tiến trình giám định trong các vụ án, thêm một kênh giám định khi có các kết luận giám định khác nhau, thực hiện giám định về âm thanh và hình ảnh, không phình bộ máy vì chỉ thành lập Phòng tại Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, kinh phí không lớn vì mua thiết bị chưa đến 10 tỷ đồng.

Cũng tại phiên thảo luận, đa số đại biểu cho rằng trưng cầu giám định phù hợp với tính chất chuyên môn, khoa học và bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám định tư pháp. Bên cạnh đó, giao trách nhiệm này cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Về thời hạn giám định, đa số ý kiến đại biểu đề nghị quy định thời hạn giám định tư pháp cần bảo đảm phù hợp với thời hạn tố tụng; cần bổ sung quy định về cơ chế thực hiện giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền trong các hoạt động quản lý nhà nước theo Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu, nghiên cứu bổ sung dự thảo luật trước khi trình Quốc hội. Đối với những ý kiến còn khác nhau về thành lập thêm cơ quan giám định tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội tham gia kỳ họp tại điểm cầu TPHCM. Các đại biểu Quốc hội tham gia kỳ họp tại điểm cầu TPHCM.

Chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật gồm 8 chương và 79 Điều, giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 Điều của Luật hiện hành. Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách. Đồng thời đáp ứng các yêu cầu về giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian qua. Đồng thời, điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận tại phiên thảo luận. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận tại phiên thảo luận.

Về các nội dung sửa đổi cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo