Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 16/9, theo chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: trong lĩnh vực Nội vụ, Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ; giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc. Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng Kế hoạch biên chế công chức, thẩm định biên chế sự nghiệp hàng năm của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021 tinh giản tối thiểu là 10% biên chế giao năm 2015. Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người; so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người.

Trong lĩnh vực Thanh tra, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài. Đối với 16 vụ việc còn tồn đọng từ năm 2016, đến nay có 14 vụ việc đã được các cơ quan chức năng thực hiện theo kế hoạch; có 2 vụ việc đang tiếp tục rà soát, giải quyết. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được thúc đẩy, có chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm 2019 đạt cao (86,2%) so với năm 2016 (78,6%). Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm.

Báo cáo tại phiên làm việc, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Các Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như...; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; đồng thời, chú ý áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội nhằm tránh việc tẩu tán tài sản.

Đối với ngành Kiểm sát, theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng, từ ngày 1/12/2015 đến ngày 30/6/2020, toàn ngành Kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 100% nguồn tin về tội phạm. Qua đó, đã yêu cầu khởi tố 2.889 vụ án, 2.735 bị can; hủy bỏ 310 quyết định không khởi tố vụ án và 336 quyết định khởi tố vụ án; yêu cầu hủy 74 quyết định khởi tố vụ án; trực tiếp khởi tố 87 vụ án và yêu cầu điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả các trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự chuyển khởi tố hình sự đạt trên 98%; các trường hợp tạm giam bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế oan, sai; thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp để xảy ra oan, sai, để lọt tội phạm khi đình chỉ bị can. Số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm dần theo từng năm (năm 2017, giảm 36%; năm 2018, giảm 47,8%).

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2; dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình. Kết quả kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, làm rõ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật tại dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ một số dấu hiệu vi phạm để xử lý dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước, dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình.

Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Trong lĩnh vực Nội vụ, còn xảy ra tình trạng tăng tổ chức sau khi sắp xếp; công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm. Việc thực hiện biên chế của ngành giáo dục còn nhiều vướng mắc; việc tinh giản biên chế trong ngành y tế chưa được giải quyết theo lộ trình. Vấn đề hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu.

Trong lĩnh vực Tòa án, còn một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chưa chính xác; một số vụ án để quá hạn luật định; một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ rõ, một số nội dung báo cáo mới dừng lại ở việc định tính, đánh giá chung chung, chưa phân tích, đánh giá hết những nguyên nhân, trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng hợp và báo cáo thẩm tra để gửi Quốc hội, trong đó đánh giá khách quan, toàn diện; chú trọng làm rõ nội dung nào đạt, nội dung nào chưa đạt, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Trong phiên họp chiều nay (16/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo