Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cục Điện ảnh tọa đàm với các nhà làm phim khu vực phía Nam

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ với các nhà làm phim tại tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa tổ chức tọa đàm với các nhà sản xuất phim khu vực phía Nam tại TPHCM để ghi nhận các ý kiến về hoạt động sản xuất phim hiện nay.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Luật Điện ảnh ra đời năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009, Nghị định 54 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh, trong quá trình thực hiện đến nay đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, không còn phù hợp với xu thế và quy luật phát triển của công nghiệp điện ảnh cũng như hoạt động sáng tác, phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường, do vậy, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL xây dựng, sửa đổi Luật Điện ảnh trình Chính phủ vào tháng 4/2021.

Điện ảnh khu vực phía Nam, TPHCM trong những năm qua đã trở thành trung tâm sản xuất phim truyện cả nước, với gần 40 đầu phim/năm, đây là nỗ lực rất lớn của các nhà đầu tư, nhà sản xuất, của đội ngũ sáng tác điện ảnh. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo, sản xuất phim vẫn còn một số vấn đề về quan niệm, nhìn nhận của xã hội, của những nhà quản lý, của giới truyền thông cần phải nghiên cứu, điều chỉnh và giải phóng để kích thích sức sáng tạo, tạo thêm nguồn lực về tinh thần và vật chất để sản xuất phim, phát triển thuận lợi, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp điện ảnh và xu thế hội nhập của điện ảnh thế giới. “Điện ảnh phim truyện cần vận hành theo quy luật phát triển của nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh với nội dung là hướng thiện, nhân văn, đồng thời chú ý đến nhu cầu và sự tương tác của khán giả xem phim, chú ý đến yếu tố thị trường. Đối với phim đặt hàng thì giữ đúng quan điểm và nguyên tắc về nội dung tư tưởng. Đối với phim do các nguồn lực khác đầu tư thì cần cởi mở mạnh mẽ về cách nhìn nhận, đánh giá, cấp phép phát hành, phổ biến, quan tâm nhiều hơn đến yếu tố thị trường và khán giả”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm cho thấy, các nhà làm phim mong muốn tháo gỡ một số hạn chế trong quy định hiện hành, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tạo, phát triển nền điện ảnh nước nhà. Theo các đại biểu, câu chuyện cần làm rõ hiện nay là trường hợp nào phải trình kịch bản cho Cục Điện ảnh thẩm định khi hợp tác, liên doanh với nước ngoài.

Theo Cục Đện ảnh, việc hợp tác, liên doanh với tổ chức cá nhân nước ngoài phải gửi đến thẩm định, khi có một trong ba đối tượng là nhà sản xuất, đạo diễn hoặc biên kịch là người nước ngoài. Ngoài ra, những thành phần khác như diễn viên, quay phim - dù là người nước ngoài thì cũng không cần gửi kịch bản để thẩm định. Thứ hai là công tác kiểm duyệt phim trước khi phát hành của hội đồng thẩm định cấp phép phổ biến phim sẽ theo hình thức nào? Tiền kiểm là như hiện nay đang thực hiện, hay theo hình thức hậu kiểm? Có nên phân cấp về cho các Sở Văn hóa và Thể thao, hay các đài truyền hình không?

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Giải phóng (Bộ VHTTDL): “Cục Điện ảnh nên có những kiến nghị mang tính chất mở rộng hơn để các nghệ sĩ tự do trong sáng tạo, cần có những quy định cụ thể nhưng thoáng để nghệ sĩ không bị "bó tay bó chân”. Nhà sản xuất Mai Thế Hiệp, Công ty TNHH Fortune Projects chia sẻ: “Nói về kiểm duyệt, cần cụ thể về những vấn đề không được xuất hiện trong màn ảnh, tránh chung chung sẽ khó cho anh em đạo diễn”.

Trong khi đó, nhà sản xuất, đạo diễn Ngô Quang Hải, Công ty TNHH Vimax nêu ý kiến nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Trên quan điểm cá nhân đạo diễn Ngô Quang Hải, phim ảnh là loại hình truyền bá cực mạnh, vì thế không thể nào hiểu được hết các quan điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,… Do vậy cần có một cơ quan Nhà nước để kiểm duyệt.

Đồng tình quan điểm này, nhà sản xuất phim Dung Bình Dương cho rằng, Cục Điện ảnh nên quản lý việc sản xuất phim Việt Nam chặt chẽ hơn bằng cách xiết chặt khâu xét duyệt kịch bản trước khi cho bấm máy sản xuất để tránh tình trạng nhiều nhà sản xuất mới cứ nghĩ là đăng ký quyền tác giả kịch bản xong là được sản xuất phim, khi họ bỏ tiền ra sản xuất xong thì lại không được duyệt phổ biến hoặc khi đang phát hành lại bị dừng lại giống trường hợp phim Vợ Ba…

Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, hiện nay Cục chỉ làm thẩm định kịch bản với 2 loại phim: Một là phim đặt hàng của Nhà nước, hai là phim hợp tác liên doanh với nước ngoài mà trong thành phần làm phim có nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch là người nước ngoài. Còn lại các dự án phim khác thì Cục tôn trọng kịch bản, chỉ thẩm định và cấp phép khi phát hành phổ biến thôi, nghĩa là Cục chỉ kiểm soát đầu ra trước khi phát hành, phổ biến. Sắp tới đây sẽ hướng tới một bước nữa là chỉ hậu kiểm, nhưng nếu muốn hậu kiểm thì cần xây dựng những điều khoản cụ thể để các nhà sản xuất biết từ giai đoạn đầu mà thực hiện cho đúng.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo