Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Niềm tin và kỳ vọng

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 15 khóa XII. (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào dịp cả nước ta đang nô nức chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu, và cũng đúng vào dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Dường như khắp mọi vùng của đất nước, từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vô Nam, mọi ngành, mọi địa phương, mọi cấp đều hướng về Hà Nội, thủ đô yêu dấu chờ mong ngày khai mạc Đại hội - ngày 25/01/2021, chờ mong một tin vui, một niềm tự hào, một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Thật vinh dự, tự hào – một sự kiện của một tổ chức chính trị đại diện cho 5,2 triệu thành viên mà được toàn dân của cả nước ngót 100 triệu người quan tâm, chờ đón với niềm tin và kỳ vọng lớn lao. Bởi đó là dịp “Đảng ta” thảo luận, quyết định đường hướng phát triển đất nước, soi dẫn đường đi cho dân tộc trong 5 năm, 10 năm sắp tới.

Niềm tin và kỳ vọng của nhân dân được xây đắp từ lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng ta được đúc kết qua các kỳ Đại hội. Nhớ lại ta thấy: Đại hội lần thứ nhất của Đảng (ngày 27 đến 31/3/1935) ở Áo Môn, Trung Quốc là để khôi phục hệ thống tổ chức Đảng, khẳng định Luận cương chính trị tháng 10/1930 về cách mạng Việt Nam, từ đó đã duy trì sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào giải phóng dân tộc của nước ta.

Niềm tin và kỳ vọng của nhân dân được xây đắp từ lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng ta được đúc kết qua các kỳ Đại hội. Trong ảnh: TPHCM tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2021. (Ảnh: Nhật Quang). Niềm tin và kỳ vọng của nhân dân được xây đắp từ lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng ta được đúc kết qua các kỳ Đại hội. Trong ảnh: TPHCM tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2021. (Ảnh: Nhật Quang).

Đại hội lần thứ II (từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951) tại Chiến khu Tuyên Quang đã vạch ra đường lối lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”.

Đại hội lần thứ III (từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960) tại Hà Nội đã đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện đường lối do Đại hội III vạch ra, nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi trên cả hai miền và đã giải phóng miền Nam với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu giang sơn về một mối.

Đại hội IV của Đảng (từ ngày 14 đến ngày 22/12/1976) đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước.

Đại hội V của Đảng (từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982) đã đề ra kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất để ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân với mục tiêu “Tất cả vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Đại hội VI - Đại hội của sự nghiệp đổi mới, khẳng định “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước”, đã đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế kinh tế… từ đó đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử lần thứ III của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Một góc TPHCM ngày nay. (Ảnh: Nguyễn Hoàng) Một góc TPHCM ngày nay. (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

Đại hội VII (từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991) - Đại hội đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đặc biệt Đại hội đề ra Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội với 7 phương hướng cơ bản. Thực hiện chủ trương đường lối Đại hội VII – sau 10 năm đổi mới, kinh tế - xã hội nước ta cơ bản thoát ra khỏi sự khủng hoảng.

Đại hội VIII (từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/1996) đã đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Đại hội IX (từ 19 đến 22/4/2001) đã xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trong đó phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm. Từ đó nền kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện.

Đại hội X (từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006) đã tổng kết 20 năm đổi mới, xác định mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Hoàn thiện mục tiêu đó, nước ta hiện nay là nước đang phát triển.

Đại hội XI (từ ngày 12 đến 19/1/2011) đã bổ sung phát triển Cương lĩnh 1991, quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đại hội XII (từ 20 đến 28/01/2016) nhấn mạnh nâng cao chất lượng phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đã thu được nhiều kết quả tích cực[1], không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, hạn chế sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Một góc TPHCM ngày nay. (Ảnh: Nguyễn Hoàng) Một góc TPHCM ngày nay. (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

Rõ ràng, lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam với những cột mốc Đại hội Đảng, động thái và thành quả phát triển đất nước sau mỗi kỳ Đại hội là thực tiễn khách quan sinh động tạo nên niềm tin của dân chúng đối với Đại hội Đảng. Vậy nhân dân ta đặt niềm tin và kỳ vọng gì đối với Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội Đảng là mốc son lịch sử của quá trình hoạt động của Đảng, là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có hai nội dung quan trọng nhất, được mọi người quan tâm nhất là Văn kiện Đại hội – hàm chứa chủ trương chính sách, đường hướng phát triển của đất nước, của dân tộc trong từng giai đoạn cụ thể và nhân sự, “chọn mặt gửi vàng”, tìm ra “dây chuyền” để vận hành “bộ máy”, là vấn đề cực kỳ hệ trọng để thực hiện Nghị quyết đại hội thành công.

Văn kiện Đại hội đã được chuẩn bị hết sức công phu, nghiêm túc trên cơ sở tổng kết thực tiễn và lý luận, được Đại hội Đảng các cấp và các tầng lớp nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến… đã trở thành kết quả mang tầm trí tuệ và tâm huyết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc. Trong đó có nhiều điểm nhấn mới, đặc biệt có hai thành tố được nhấn mạnh nhiều lần và được toát lên trong toàn bộ văn kiện, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển 10 năm, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược… Ấy là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo, đưa đất nước ta lên tầm cao mới. Đó là niềm tin vững chắc đối với Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Vấn đề nhân sự, Đại hội XIII cũng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, bài bản với một quy trình có nguyên tắc gồm nhiều bước, nhiều việc, nhiều kênh thích hợp và đã được “gút” lại ở Hội nghị Trung ương lần thứ 14 và 15 trước thềm Đại hội. Nhân dân đang dõi theo và kỳ vọng kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và sự nhất trí cao thể hiện trong Hội nghị Trung ương lần thứ 15 vừa rồi sẽ là điều kiện, yếu tố cực kỳ quan trọng đưa đến sự thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Vinh dự và trách nhiệm đó thuộc về 1.587 đại biểu thay mặt cho 5,2 triệu đảng viên của Đảng ta tham dự Đại hội Đảng lần thứ XIII. Không phải ngẫu nhiên phát biểu Kết luận Hội nghị cán bộ Toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhân vật Paven Coocxaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” cách đây đã hơn 1 thế kỷ về nhân cách sống, danh dự của con người và những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu về tư cách của người cách mạng.

Các đại biểu tham dự Đại hội là những cán bộ nòng cốt, hạt nhân của Đảng, những người đảng viên ưu tú của các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương. Hơn ai hết, các đại biểu là người nhận thức đầy đủ về danh dự và trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mình khi vinh dự được tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, đặc biệt khi cầm bút tiến hành bầu cử. Phải tuyệt đối gạt ra ngoài lá phiếu những dấu hiệu dù là phảng phất, vấn vương hiện tượng vận động, chạy phiếu, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm… Lá phiếu phải phản ánh niềm tin và kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, là lá phiếu xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển đất nước, hàm chứa quan điểm đặt lợi ích quốc gia – dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, giữ vững truyền thống, vai trò, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang!

PGS.TS Phan Xuân Biên

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

-------------------------

[1] Giai đoạn 2016 – 2020, đã thi hành kỷ luật 1.215 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên và 61.733 đảng viên. Trong đó có 92 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, gồm 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong LLVT (có 23 cấp tướng). Xem https://tapchitoaqn.vn và http://ubkttw.vn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo