Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục tuyên dương hơn 300 đại biểu ưu tú, điển hình tiên tiến

Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII năm 2020

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 23/9, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII năm 2020, tổng kết công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2016 – 2020. Dự Đại hội có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng hơn 300 đại biểu ưu tú, điển hình tiên tiến xuất sắc gồm các tập thể và cá nhân đang được đề nghị danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; các chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020; các nhà giáo nhân dân được phong tặng năm 2017; đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; học sinh đoạt huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2020; sinh viên nghiên cứu khoa học đoạt giải Nhất năm 2019.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định sự phát triển của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng trong 5 năm qua, là ngày hội tôn vinh những điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành giáo dục.

Báo cáo tại đại hội, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, ngành giáo dục đã và đang triển khai mạnh mẽ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng. Ngành đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cùng với việc triển khai phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”…

Kết quả thi đua trong 5 năm của ngành giáo dục thể hiện rõ trên nhiều mặt. Trước hết, cấp ủy, người đứng đầu các cơ sở GD-ĐT đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại, bước đầu xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế. Nổi bật nhất là chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên. Nội dung giảng dạy và kiến thức của học sinh phổ thông có tiến bộ, toàn diện hơn và tiếp cận với phương pháp học tập mới. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ và tin học. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, kết quả đánh giá PISA và các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông (Intel ISEF), học sinh Việt Nam được đánh giá cao. Qua kết quả đánh giá của một số tổ chức quốc tế cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông ở nước ta vượt mức trung bình của các nước khối OECD (ổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích thi Olympic quốc tế.

Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc. Riêng về khen thưởng đột xuất, Bộ GD-ĐT đã tặng bằng khen đột xuất cho 1 tập thể và 51 cá nhân; đã trình Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, lần xét tặng thứ 14 năm 2017, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cho 64 Nhà giáo nhân dân và 748 danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Lần xét tặng thứ 15 năm 2020, đã có 997 hồ sơ trình Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, từ sau Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục năm 2015 đến nay, toàn ngành đã có 3 tập thể, 7 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 61 nhà giáo được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chủ tịch nước tặng thưởng 18 Huân chương Độc lập cho các tập thể, 3 Huân chương Độc lập cho các cá nhân. Bộ GD-ĐT cũng đã tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 88 cá nhân là người nước ngoài đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”, giai đoạn 2016 - 2020, ngành giáo dục phát động và triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Trong 5 năm qua, các nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, có nhiều hoạt động cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hoạt động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên. Nhiều mô hình, sáng kiến trong dạy và học đã được các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Nội dung “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các cơ sở giáo dục cụ thể hóa phù hợp với các cấp học, bậc học, ngành học với phương châm mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày tới trường đều nỗ lực đổi mới, cải tiến trong công việc và nhà giáo cùng nhau phát triển. Nỗ lực của các cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên cả nước đã và đang góp phần làm nên những kết quả đáng tự hào của ngành giáo dục thời gian qua.

Giai đoạn 2020 - 2025, ngành giáo dục tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại trong giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 chất lượng GD-ĐT có chuyển biến rõ nét.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo