Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đảm bảo an toàn dữ liệu của đơn vị được kiểm toán

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

(Thanhuytphcm.vn) - Theo chương trình làm việc, chiều 23/5, đại biểu Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thư viện; thảo luận tại tổ về các nội dung này.

Cần quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Ủy ban TVQH) tại Phiên họp thứ 32, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng không mở rộng đơn vị được kiểm toán mà quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Điều 68 Luật hiện hành. Về nguyên tắc ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm tra, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý, sử dụng; bao gồm toàn bộ các hoạt động từ quá trình hình thành nguồn đến các hoạt động quản lý, sử dụng để đánh giá về công tác quản lý, sử dụng đúng quy định pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả và chống thất thoát lãng phí các nguồn lực nhà nước. Do vậy, các hoạt động quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đều phải được kiểm tra.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng dẫn ra hàng loạt số liệu để lý giải cho đề xuất thực hiện kiểm toán đối với một số hoạt động và đối tượng có liên quan, khi đã truy thu cho Ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng sau 24 năm hoạt động. Có những dự án sau kiểm toán, giá trị được KTNN xác nhận chỉ bằng 39% giá trị BT ban đầu. Kết quả kiểm toán năm 2018, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi cho NSNN 44.466 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định tăng thu NSNN 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.

Ông Hồ Đức Phớc cho hay, theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế (có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện). Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco,… truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo Điều 68 dự thảo Luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước bao gồm: cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng, khai thác khoáng sản, đất đai và tài nguyên khác; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng quy định như vậy là chưa rõ ràng. Tổ chức, cá nhân chỉ trở thành tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán khi liên quan đến việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Việc kiểm tra, đối chiếu… đối với tổ chức, cá nhân có liên quan không phải là kiểm toán tổ chức, cá nhân đó. Vì vậy, sửa đổi Luật cần tập trung làm rõ thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; quy định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quy định quyền hạn, phạm vi, trình tự, thủ tục của KTNN trong việc kiểm tra, đối chiếu… đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Băn khoăn về quyền truy cập dữ liệu điện tử

Thảo luận về quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp quyền truy cập cho kiểm toán viên là thành viên đoàn kiểm toán là cần thiết để phục vụ cho hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0. Tuy nhiên dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật đồng thời việc truy cập đòi hỏi trình độ nhất định về công nghệ thông tin nên để quản lý, giám sát kiểm toán viên và truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, sự cố thì cần quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ kiểm toán viên.

Một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng cấp quyền truy cập cho kiểm toán viên như dự thảo Luật nhưng việc truy cập phải cùng với đơn vị được kiểm toán và bổ sung quy định về điều kiện truy cập, phân cấp quyền truy cập phù hợp.

ĐB Phạm Phú Quốc. (Ảnh: SGGP) ĐB Phạm Phú Quốc. (Ảnh: SGGP)

Theo đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM), số liệu, chứng từ của đơn vị, nhất là những vấn đề như thị trường, bí mật kinh doanh là rất nhạy cảm, đây là gia tài của doanh nghiệp, do vậy, cần có quy định về việc đồng truy cập dữ liệu và làm việc tại văn phòng, để đảm bảo an toàn dữ liệu cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho rằng, theo tinh thần của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, kiểm toán viên không được quyền, nếu quy định khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán hoặc dữ liệu điện tử quốc gia sẽ vượt qua quyền của Luật trên. Chỉ trong trường hợp điều tra đặc biệt trong thủ tục tố tụng, khi vụ án hình sự được điều tra, lúc đó phải có các quyết định, văn bản của Viện Kiểm sát, điều tra viên mới được truy cập vào và phải đảm bảo tuyệt đối bí mật quốc gia và bí mật cá nhân. Quy định như dự thảo Luật cũng không phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nên rà soát lại phạm vi sửa đổi khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau rất lớn để thống nhất cho đúng chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Hệ thống KTNN hiện nay ổn định nhưng quan hệ giữa KTNN với địa phương thì chưa “tương xứng”, mối quan hệ của KTNN “nghiêng” về phía Quốc hội nhiều hơn. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề về dự án Luật nên quy định Trưởng Kiểm toán khu vực có quyền trình bày báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ở phiên họp HĐND và HĐND sử dụng kết quả kiểm toán này để đánh giá, phê duyệt phương án ngân sách, tài chính của địa phương.

“Tôi cho rằng đây là điều mà dự án Luật cần quy định trong dự án Luật, là cơ chế để giám sát, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan”, Phó Thủ tướng bày tỏ và cho rằng nếu cơ quan soạn thảo và thẩm tra không kịp bổ sung nội dung này thì nên tính toán “giãn” tiến độ xây dựng dự thảo lại một vài năm để làm cho kỹ.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo