Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đảm bảo phân luồng, tuyến cho người đến khám, chữa bệnh

Quang cảnh cuộc họp

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/8, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, mỗi ngày có thể phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mới liên quan đến cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng tại địa phương này cũng như trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm mới không phản ánh xu thế tăng hay giảm của dịch bệnh. Dự kiến sẽ tiếp tục có các ca tử vong do dịch COVID-19 xuất hiện tại những khoa có bệnh nhân nặng thuộc cụm 3 bệnh viện Đà Nẵng.

Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tính đến 10 giờ ngày 6/8, Việt Nam ghi nhận 717 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 328 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, 9 trường hợp tử vong.

Từ ngày 23/7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 302 trường hợp, trong đó có 34 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 268 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 11 tỉnh, thành phố có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng. Nhiều nhất là Đà Nẵng với 193 trường hợp, tiếp đến là Quảng Nam 48 trường hợp. TPHCM có 8 trường hợp, Lạng Sơn 4 trường hợp, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Hà Nội cùng có 3 trường hợp, Bắc Giang và Đồng Nai đều 2 trường hợp, Thái Bình và Hà Nam mỗi nơi 1 trường hợp.

Riêng ngày 5/8, Việt Nam ghi nhận 47 trường hợp lây nhiễm trong nước đều liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, gồm: Đà Nẵng 34 trường hợp, Quảng Nam 5 trường hợp, Bắc Giang 2 trường hợp, Lạng Sơn 4 trường hợp, Hà Nội 1 trường hợp và 1 chuyên gia nước ngoài (cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyến bay I04405 từ Liên bang Nga về sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11/7. Trước đó đã ghi nhận 17 trường hợp mắc trên chuyến bay này). Lạng Sơn và Bắc Giang là hai địa phương mới ghi nhận ca bệnh trong đợt này.

Tính đến ngày 5/8, cả nước đang cách ly 169.819 người, trong đó 5.568 người cách ly tại cơ sở y tế, 23.867 người cách ly tại khu cách ly tập trung, 140.384 người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Cả nước đã thực hiện tổng số 523.114 xém nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 23/7-5/8, Đà Nẵng thực hiện 23.768 xét nghiệm, Hà Nội thực hiện 4.085 xét nghiệm, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 25.852 xét nghiệm.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy cơ lớn nhất hiện nay gồm: bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Với người thuộc nhóm nguy cơ cao gồm người từ Đà Nẵng trở về các địa phương từ ngày 1/7, Bộ Y tế khuyến cáo tinh thần cảnh giác; có ý thức phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Trên thực tế, một số địa phương vẫn còn chủ quan, lơi lỏng, “coi ổ dịch chỉ ở Đà Nẵng”. Các cơ sở y tế, bệnh viện cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh; quy định về khám, chữa bệnh như đeo khẩu trang, giãn cách… Hiện Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm với tốc độ gấp khoảng 3 lần so với thời điểm cao điểm tháng 4/2020.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, khi có những sự cố như tại ổ dịch Đà Nẵng, việc thực hiện xét nghiệm kháng thể nhằm đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm dịch bệnh, sau đó cần tăng cường xét nghiệm kháng nguyên Realtime RT-PCR để phát hiện chính xác các ca nhiễm. Các bệnh viện tiếp tục thực hiện quy định hướng dẫn khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành; trong đó đảm bảo phân luồng, phân tuyến cho người đến khám, chữa bệnh. Nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện như Đà Nẵng, người đứng đầu bệnh viện và cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo