Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945

Ấn phẩm “Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” của tác giả Trần Đình Ba

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 21/6, Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM giới thiệu ấn phẩm “Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” của tác giả Trần Đình Ba, nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đằng sau mặt báo tái hiện đời sống báo chí thuở ban đầu đến 1945. Có thể hình dung, báo chí Việt Nam từ thuở ban đầu đến 1945 là một bức tranh rộng về không gian và dài về thời gian. Nhiều tờ báo được tái hiện chân dung đã từng xuất hiện trong lịch sử: Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tiếng dân, An Nam tạp chí, Hà thành ngọ báo… với sự phân chia lần lượt theo tiến trình thời gian từ nửa sau thế kỷ XIX đến 1945. Báo chí được phân theo khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Nhiều tờ báo ở hải ngoại được đề cập: Cao Miên hướng truyền, Công binh tạp chí. Mỗi tờ báo được tái hiện chân dung trên cơ sở hồi ký, ghi chép của người làm báo 1945 trở về trước; qua thực tế nội dung từ chính các tờ báo, tạp chí.

Sách thông tin cơ bản tiến trình phát triển báo chí với sự ra đời của những tờ báo chữ Pháp, chữ Hán. Tiếp theo là sự xuất hiện của tờ Gia Định báo năm 1865, đánh dấu sự ra đời của báo chí tiếng Việt. Ban đầu chủ yếu là báo chí của chính quyền, phục vụ nhu cầu thông tin tin tức tới các địa phương, đăng các thông tư, nghị định, tin thời sự liên quan đến giá cả, mùa màng, chống phản loạn. Về sau báo chí tư nhân ra đời và có vị trí quan trọng trong làng báo với nhiều tờ báo chất lượng: Ngọ báo, Sài thành nhật báo, Trung lập, Đông Pháp thời báo… Sách cũng dành một phần nội dung viết về những tờ báo ít thông tin, chỉ gặp trong ghi chép của người làm báo, hoặc qua mẩu tin giới thiệu trên báo đồng nghiệp. Một số tờ báo thuộc dạng này: Bulletin des Communes, Nam Kỳ Hoa kiều nhật báo, Công hội đỏ, Chớp bóng…

Sách còn đề cập tới cơ cấu, tổ chức bộ máy của một tờ báo với những chức danh cơ bản: Chủ nhiệm, Chủ bút, Quản lý, biên tập viên… Dẫn chứng nhiều ví dụ về kinh phí xuất bản báo, cách phát hành báo thông qua hệ thống đại lý khắp nước, thậm chí cả Đông Dương, đội ngũ người bán báo dạo ăn chiết khấu. 

Nhiều câu chuyện về hậu trường nghề báo được đề cập trong Phần II “Chuyện sau mặt báo qua ký ức người đương thời”, tạo sự hấp dẫn, chân thực về nghề báo với kỹ thuật lấy tin, bài; nhuận bút viết báo; giá bán báo; cách thức cộng tác báo. Những câu chuyện về khó khăn của nghề báo cũng được đề cập, thể hiện ở chế độ kiểm duyệt báo chí; kinh phí xuất bản báo, số lượng bản in, sự tồn tại ngắn ngủi của một số tờ báo vì bị chính quyền thực dân cấm, đình bản, hoặc vì thiếu vốn: Tiếng vang làng báo, Đời mới…

M. Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo