Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đạo diễn Hoàng Duẩn: “Sân khấu phải tham gia xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”

Đạo diễn Hoàng Duẩn dành nhiều tâm huyết cho các tác phẩm về các nhân vật lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - Sau vở cải lương Án tử về Tả quân Lê Văn Duyệt – đạt Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2020 – thì đạo diễn Hoàng Duẩn tiếp tục đưa một nhân vật lịch sử có nhiều công trạng với Sài Gòn - TPHCM là Nguyễn Thị Minh Khai lên sân khấu qua vở kịch cách mạng Câu hò đất mẹ tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc (đợt 2).

Đạo diễn Hoàng Duẩn đã có những chia sẻ xung quanh vở kịch, việc đưa kịch cách mạng đến với học sinh - sinh viên và việc theo đuổi đề tài về các nhân vật đã góp phần làm nên diện mạo của TPHCM.

* Thực tế nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai đã được các loại hình nghệ thuật khai thác khá nhiều, điều gì tạo động lực cho anh thực hiện vở kịch Câu hò đất mẹ?

- Tôi đã có ý tưởng thực hiện tác phẩm sân khấu nhằm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc (đợt 1) tại Hải Phòng nên chủ ý chọn một nhân vật có công lớn với TPHCM để không chỉ đi thi mà còn giới thiệu được phần nào đó hình ảnh của TPHCM, cũng như hướng đến đối tượng khán giả học sinh - sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức các sở ban ngành TP. Sau khi đọc nhiều tài liệu thì tôi nhận thấy nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai quá hay khi là nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên của TPHCM. Bà không sinh ra tại TPHCM nhưng đã hy sinh trên vùng đất này, vì vùng đất này. Là một phụ nữ ở những thập niên đầu thế kỷ XX nhưng bà hoạt động cách mạng từ sớm, đi du học, thông thạo nhiều ngoại ngữ và trở thành một nhà lãnh đạo quan trọng trong Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà thật đáng ngưỡng mộ, là tấm gương sáng cho tuổi trẻ, nhất là nữ giới hôm nay. Trước đó, năm 2020 tôi đã dựng vở cải lương Án tử về những công trạng của Tả quân Lê Văn Duyệt với vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Câu hò đất mẹ nối tiếp mạch sáng tạo này của tôi. Vở không chuẩn bị kịp để dự Liên hoan đợt 1 nhưng cuối cùng cũng có thể dự Liên hoan đợt 2 ngay tại TPHCM.

Vở kịch Câu hò đất mẹ kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống như hát bội, ví giặm, hò Huế… vào tác phẩm. Vở kịch Câu hò đất mẹ kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống như hát bội, ví giặm, hò Huế… vào tác phẩm.

* Như vậy là anh đã có ý tưởng khai thác các nhân vật lịch sử nổi bật của TPHCM?

- Đúng vậy. Như bao người, tôi không phải là “dân Sài Gòn chính hiệu” nhưng tôi luôn muốn tri ân vùng đất đã giang tay chào đón tôi bao năm qua. Tôi vẫn luôn muốn thực hiện các tác phẩm sân khấu về những con người góp phần tạo nên diện mạo vùng đất này để những công dân của TPHCM, nhất là các bạn trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại TPHCM biết được những con người với những cống hiến to lớn, những sự hy sinh cao cả để có TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình hôm nay là hoàn toàn có thật. Đó cũng là nêu gương cho các bạn để có thêm động lực học tập, thêm niềm tin và tự hào về nơi mình học tập và sinh sống để rồi có đi bất cứ đâu, nhất là ra quốc tế cũng sẽ mang theo niềm tự hào ấy. Và không chỉ có các nhân vật lịch sử dựng xây TP với đầy đủ tên tuổi trong sử sách mà chính những con người TPHCM hôm nay với cuộc sống đa dạng của họ - những cán bộ, công chức, viên chức, người công nhân, các doanh nhân, người buôn gánh bán bưng… - cũng là đề tài sáng tạo vô tận. Cuộc sống và con người TPHCM vẫn luôn là trọng tâm theo đuổi trong sự nghiệp sân khấu của tôi.

Vì thế, Câu hò đất mẹ không chuyển thể từ tác phẩm văn học nào mà tôi đã lên ý tưởng sẵn rồi đặt hàng tác giả viết kịch bản phù hợp với ý đồ dàn dựng của mình. Cách làm này cũng giúp vở tránh việc lặp lại các chất liệu đã được các vở diễn cùng đề tài khai thác trước đây.

* Kế hoạch khai thác vở diễn này như thế nào? Và theo anh làm thế nào để kịch cách mạng thu hút được khán giả trẻ ngay trong giai đoạn sân khấu sa sút hiện nay?

- Vở diễn này không chỉ để đi thi. Trước mắt, với gần 50 sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM cùng tham gia trong vở thì đây đã là bài học đáng giá rồi. Tiếp đến, vở chắc chắn sẽ biểu diễn phục vụ sinh viên các khoa trong Trường Đại học Văn hóa TPHCM. Chúng tôi cũng đã liên hệ và dự kiến kết hợp với Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM tổ chức biểu diễn phục vụ - sinh viên trên địa bàn TP cũng như lên kế hoạch lưu diễn quảng bá cho vở diễn.

Với tôi dù là kịch cách mạng hay bất cứ đề tài gì thì trước hết nó phải là tác phẩm kịch hoàn chỉnh cái đã – thực tế hiện nay có những vở diễn chỉ là tiểu phẩm kéo dài. Để thu hút khán giả trẻ thì cần phải bắt kịp tâm lý người trẻ, ngoài thủ pháp dàn dựng đa dạng, sáng tạo, tiết tấu nhanh trẻ trung thì cách kể chuyện phải làm các bạn trẻ tin là nhân vật có thật. Hiện nay, thông tin rất đa chiều, các bạn thoải mái tiếp cận nhiều nguồn thông tin kể cả gây tranh cãi thì đôi khi tác phẩm sân khấu cũng cần chạm vào những vấn đề nhạy cảm để giải thích, định hướng cho các bạn hiểu đúng chứ đừng cố lên gân hô hào hay tô hồng. Đặc biệt, các bạn trẻ hiện nay ngày càng quan tâm đến văn hóa truyền thống nên những chất liệu nghệ thuật truyền thống nếu được sử dụng khéo léo trong tác phẩm sẽ dễ gây ấn tượng và tạo hứng thú cho người xem.

Những tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh đô thị có tác dụng “mưa dầm thấm lâu” giúp thay đổi nhận thức của người dân, đóng góp vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Những tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh đô thị có tác dụng “mưa dầm thấm lâu” giúp thay đổi nhận thức của người dân, đóng góp vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

* TPHCM hiện đang nỗ lực xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, là một người làm sân khấu anh có kiến nghị gì không?

- Sân khấu chắc chắn phải tham gia vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng những tác phẩm cụ thể. Nhiệm vụ và chức năng sân khấu vốn là giúp “gột rửa” tâm hồn con người vì ngôn ngữ sân khấu là tương tác trực tiếp sẽ tác động đến nhận thức khán giả. Những TP văn minh trên thế giới đều có nền sân khấu phát triển với rất nhiều nhà hát. Mà sân khấu cũng có nhiều hình thức, ngoài những tác phẩm chuyên nghiệp quy mô lớn như những vở diễn về các nhân vật lịch sử gắn bó với TPHCM hay những vở diễn phản ánh đa dạng lát cắt cuộc sống TP trên các sân khấu xã hội hóa còn có dòng sân khấu “trong nhà ngoài phố” rất gần gũi như chuyên mục “Chuyện bốn mùa”, “Siêu thị cười” của Đài Truyền hình TPHCM với những vở kịch ngắn, tiểu phẩm về “chuyện củi lửa” rất bình thường trong đời sống hàng ngày nhưng lại mang thông điệp chấn chỉnh những hành vi chưa đẹp, hướng đến xây dựng văn minh đô thị. Với định hướng đúng đắn và cụ thể từ các cấp lãnh đạo, những tác phẩm sân khấu chất lượng cao cùng dòng sân khấu đời thường “mưa dầm thấm lâu” chắc chắn sẽ mang đến những thay đổi về nhận thức góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đưa những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa, thấm sâu vào từng con người TP như kỳ vọng của những ai yêu mến và gắn bó với TP mang tên Bác.

* Cám ơn những chia sẻ của anh!

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo