Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng

Quang cảnh phiên họp
(Thanhuytphcm.vn) - Theo chương trình làm việc tại phiên họp thứ 28, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến các báo cáo về ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tổng thu ngân sách Nhà nước 3 năm 2016 - 2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách Trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân số thu nội địa tăng chậm, hụt dự toán trong những năm gần đây để có các giải pháp khắc phục hợp lý; đồng thời để xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước các năm sau khả thi hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban này cũng cho biết, chi ngân sách Nhà nước 3 năm 2016 - 2018 ước đạt 54,39% kế hoạch 5 năm; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25%-26%; tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí (chưa giao đầu năm) hoặc chưa phân bổ. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm.

Đáng chú ý, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, đã tạo áp lực lớn cho cân đối ngân sách Nhà nước, việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Vì thế, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối ngân sách Nhà nước bền vững và chắc chắn.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra rằng việc đàm phán, ký kết vay vốn ODA trong một số trường hợp chưa gắn chặt chẽ với khả năng trả nợ; việc huy động nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có khả năng vượt mức trần theo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn… Thực trạng này đòi hỏi việc sử dụng vốn ODA phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa, nghiêm túc tuân thủ các quy định tại các nghị quyết và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quản lý thu ngân sách Nhà nước, nhất là ở cơ sở đối với khoản thu ngân sách Nhà nước từ thuế, phí, tiền sử dụng đất và từ quản lý tài sản công; thực hiện rà soát, có cơ chế quản lý chặt chẽ về ưu đãi đầu tư, chống chuyển giá ngay trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; sớm có giải pháp phù hợp và chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc quản lý thu nhập của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ theo quy trình lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sau 3 năm, thu ngân sách Nhà nước mới đạt khoảng 54% kế hoạch 5 năm, trong đó phần thu trung ương khả năng sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, không bảo đảm nguồn chi thường xuyên của trung ương. Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý chặt chẽ bội chi và nợ công, tránh tình trạng bội chi của ngân sách địa phương làm thay đổi trần nợ công và kế hoạch đặt ra cho 2 năm cuối 2019 – 2020.

Đề cập đến nguồn vốn ngân sách dự phòng của Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý theo hướng UBTVQH sẽ đưa ra nguyên tắc, tiêu chí và trình tự ưu tiên, sau đó giao cho Chính phủ điều hành theo đúng nguyên tắc, trong đó có phần dành để chuẩn bị quy hoạch, xây dựng dự án. Với những danh mục công trình mới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải thực sự cần thiết, cấp bách. Những vùng khó khăn về giao thông ở các tỉnh vùng núi phía Bắc hay ĐBSCL thì phải chú ý.

Liên quan tới ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị từ năm 2019 trở đi, tất cả phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất thu tiền một lần, cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại, bao gồm cả trường hợp đất đai đó đang cho doanh nghiệp nhà nước thuê, hoặc đất đai có sở hữu tài sản Nhà nước. Chỉ trừ trường hợp nhỏ lẻ, hoặc trường hợp giao đất thực hiện dự án tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các trường hợp khác đều phải đấu giá công khai, nếu cần thiết để có điều kiện đấu giá thì ngân sách Nhà nước ứng vốn để giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân, sau khi đấu giá xong thì hoàn trả tiền tạm ứng cho ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, đất đai là vấn đề mà Nhà nước thất thoát rất nhiều, không hẳn do tham nhũng mà do cơ chế quản lý, nếu làm được việc này chúng ta sẽ quản lý được tài nguyên quốc gia.

“Bây giờ người ta giàu lên từ đất đai, các đại gia bất động sản cũng giàu lên từ cái này thôi, nên phải đấu giá công khai, cái gì liên quan đến đất của Nhà nước là phải đấu giá công khai để thu tiền, giờ không được giao đất thu tiền một lần, giao đất theo kiểu không rõ ràng làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết về ngân sách để Quốc hội giám sát.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo