Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đẹp mãi những “chiến sĩ” áo trắng sát cánh cùng TP chống dịch

Nhân viên y tế tham gia hỗ trợ lấy mẫu cho bệnh nhân

(Thanhuytphcm.vn) – TPHCM đã nhận được sự hỗ trợ to lớn trong công tác phòng chống dịch từ các lực lượng do các bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành tham gia hỗ trợ, với gần 30.000 người. Đó là những bác sĩ, điều dưỡng, giáo viên, sinh viên các trường y khoa, chiến sĩ quân y, lực lượng y tế Bộ Công an... Với tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, các lực lượng này đã cùng sát cánh ngày đêm nỗ lực, từng bước giúp TP kiểm soát được dịch, chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.

Những nữ “chiến sĩ” áo trắng tận tâm

Từ vùng đất Tây Bắc xa xôi, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Huế, Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên, Lai Châu, đã vào TPHCM tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 6. Hằng ngày, bác sĩ Huế thăm khám, chăm sóc bệnh nhân toàn diện, từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, đến điều trị, phát thuốc, tiêm truyền, động viên tinh thần... “Những ngày đầu, số lượng bệnh nhân nhiều nên các bộ phận của Bệnh viện đều quá tải. Có khi, nửa đêm bệnh nhân có diễn biến xấu, mệt khó thở, tăng huyết áp chúng tôi phải xử lý, chuyển bệnh nhân xuống phòng cấp cứu. Do ngôn ngữ vùng miền có sự khác biệt nên tôi gặp khó khăn trong giao tiếp ở những ngày đầu. Cùng với đó là môi trường thay đổi, khẩu vị ăn uống cũng khác. Sau một thời gian từ từ cũng quen với môi trường, nhà bếp điều chỉnh khẩu vị các món ăn nên cũng bớt khó khăn” – bác sĩ Huế chia sẻ.

Nhân viên y tế tham gia hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Nhân viên y tế tham gia hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân

Hơn 1 tháng vào TPHCM cũng là khoảng thời gian nữ bác sĩ 29 tuổi này tạm xa con nhỏ 3 tuổi. Những lúc con ốm, con quấy, người mẹ trẻ lại càng nhớ gia đình. Chị kể: “Trong đoàn công tác vào TPHCM, có nhiều người đang có con nhỏ. Vượt lên tất cả, chúng tôi động viên nhau để yên tâm, cố gắng làm việc. Ở bệnh viện cũng có những bệnh nhi, nhìn các bé bằng độ tuổi con mình, tôi thấy rất thương”.

Với nữ điều dưỡng Lê Thị Hồng Gấm, Bệnh viện Da liễu Trung ương, dù công việc chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 11 vất vả nhưng khi nhận được lá thư cảm ơn của bệnh nhân viết trên giấy ăn rồi chụp ảnh tri ân các bác sĩ, chị đã rất cảm động và càng thêm gắn bó với công việc. Những tình cảm đó, được chị lưu lại và chia sẻ với người thân để động viên gia đình. “Chúng tôi vào đây với tinh thần xung phong. Tôi có hai con nhỏ nhưng vì TPHCM thân yêu nên xin phép gia đình vào để tham gia chống dịch. Tôi vững tâm hơn khi được sự hậu thuẫn cao của gia đình, bạn bè người thân” - điều dưỡng Gấm tâm sự.

Chị chia sẻ: “Lúc đi trực mặc đồ bảo hộ suốt 6 tiếng nên rất khó chịu, có khi mồ hôi ra ướt sũng cả người. Những đồ bảo hộ cũng khiến các thao tác khó khăn hơn bình thường. Nhưng tất cả mọi người cùng cố gắng để thực hiện công việc của mình. Khi tiếp xúc bệnh nhân cũng không tránh khỏi những tai nạn, rủi ro. Có những lúc nghe nhân viên y tế bị nhiễm, chúng tôi lại động viên nhau cố gắng hạn chế tối đa lây nhiễm, vượt qua những khó khăn, tập trung chăm sóc cho bệnh nhân”.

Tham gia chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Dã chiến số 10, điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh, Bệnh viện Đa khoa Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), cho biết, chị đã vào TPHCM công tác được hơn 1 tháng. “Chúng tôi rất vui khi được hỗ trợ TP. Từ đầu tháng 10 bắt đầu thấy bệnh nhân nặng ít dần, TP từng bước vượt qua đại dịch tôi cảm thấy vui vô cùng” - chị Hạnh chia sẻ.

Chị nhớ lại, ngày cao điểm bệnh nhân nhập viện rất đông, áp lực nhiều nhưng với lòng yêu nghề chị cùng các đồng nghiệp nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân. “Khi vào viện, bệnh nhân Covid-19 không có con cái, người thân bên cạnh để chăm sóc nên nhiều người cảm thấy cô đơn. Có những người, lúc đầu không chịu hợp tác, chỉ đòi về nhà. Khi đó, nhân viên y tế phải thay người thân động viên, an ủi để bệnh nhân tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị” - chị Hạnh kể.

Cảm kích về những tình cảm của TP

Trong số lực lượng tham gia hỗ trợ TPHCM chống dịch có những học viên của Học viện Quân y tuổi đời còn rất trẻ. Học viên Lưu Quang Trung cho biết: “Tôi đang là học viên năm 4 của Học viện Quân y. Khi thấy thông tin về dịch bệnh ở TPHCM tăng cao, tôi đã viết đơn tình nguyện vào đây với tinh thần quyết tâm cao, hỗ trợ người dân hết mình. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tham gia chống dịch và cũng là lần đầu tiên vào TPHCM. Gia đình lúc đầu có chút lo lắng, sau đã hiểu và động viên tôi. Vào đây tôi thấy người dân rất dễ mến, giúp đỡ nhiệt tình để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Các cán bộ, nhân viên y tế tại Lễ tuyên dương các đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM Các cán bộ, nhân viên y tế tại Lễ tuyên dương các đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM

Khi vào TPHCM, anh Trung tham gia công tác tại một trạm y tế lưu động ở Phường 26 quận Bình Thạnh. Hằng ngày, anh tham gia làm xét nghiệm trong cộng đồng, hỗ trợ việc tiêm chủng và bệnh nhân điều trị tại nhà. Thời điểm mới vào công tác, có khi các nhân viên của trạm y tế phải đi xét nghiệm cộng đồng từ sáng đến chiều. Khi ở trạm, các anh em luôn sẵn sàng trực liên tục, ngay cả đêm. “Khi bệnh nhân bất ổn chúng tôi phải tư vấn cho bệnh nhân yên tâm. Có khi 2 - 3 giờ sáng tức tốc vác bình oxy đi cấp cứu. Công việc vất vả nhất là giai đoạn đầu nhưng cảm nhận được niềm vui của người bệnh khi được nhân viên trạm tế mang thuốc đến hay thấy được kết quả xét nghiệm người dân âm tính, tôi thấy vui rồi. Quá trình tiếp xúc, hỗ trợ người dân cũng đã cho tôi tích lũy, học hỏi được kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng giao tiếp của mình” - anh Trung cho biết.

Là Trưởng đoàn Công tác số 5 Sở Y tế Bắc Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Du Lê Việt An chia sẻ, đoàn công tác của anh vào nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 16. Thời gian đoàn làm việc tại đây, các anh đã có những kỷ niệm không quên khi được các thầy, đồng nghiệp đến từ các bệnh viện khác tận tâm hướng dẫn, dìu dắt. “Bắc Ninh đã trải qua đợt dịch nên chúng tôi rất hiểu khó khăn TP. Trong điều kiện khó khăn nhưng TP luôn tạo điều kiện tốt cho chúng tôi, như thế không phải là dễ dàng. Chúng tôi rất cảm kích về những tình cảm TPHCM dành cho chúng tôi” - bác sĩ Lê Việt An nói.

Sau những ngày tháng khó khăn, TPHCM đã dần kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhập viện, bệnh nhân nặng và số ca tử vong đều đã giảm. Tại lễ tuyên dương các đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP vừa diễn ra, chúng tôi cảm nhận được những niềm vui từ ánh mắt, từ những câu chuyện các lực lượng đến TPHCM hỗ trợ. Đó là niềm vui khi thấy được những thành quả TP đạt được trong công tác phòng chống dịch, trong đó có sự đóng góp của các lực lượng. Và những niềm vui khi được sự quan tâm, tình cảm thương quý của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.

Trong chia sẻ của mình, điều dưỡng Nguyễn Mạnh Hà, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 6, cho biết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự được ghi nhận những đóng góp của chúng tôi và trao Huy hiệu TPHCM. Trong quá trình tham gia phòng chống dịch tại TP, anh em chúng tôi luôn gắn bó, phấn đấu và dành nhiều nhiệt huyết. Từ khi chúng tôi vào đây, TPHCM đã tạo điều kiện rất tốt cho anh em thực hiện nhiệm vụ”.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo