Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Dịch Covid-19 kéo ngành thức uống giảm, đẩy sản phẩm chăm sóc gia đình tăng

EuroCham cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc duy trì nền tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho biết, tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng và chuyển động bán lẻ của 4 TP chính, gồm: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Cụ thể, tác động ban đầu rõ nhất là kỳ vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nền kinh tế Việt Nam cho thấy những triển vọng lạc quan trong năm 2019 với GDP vượt chỉ tiêu 6.8% đã đề ra, CPI được kiểm soát tốt cùng với tăng trưởng hai con số từ doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện không mong muốn của dịch Covid-19 từ cuối tháng 1 đến nay, đời sống của người tiêu dùng (NTD) đã bị ảnh hưởng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và mức lạm phát được ghi nhận cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng trưởng chậm. Mặc dù ghi nhận con số ấn tượng trong năm 2019, tăng trưởng FMCG hai tháng đầu năm 2020 có sự chậm lại ở mức 5.2%. Các ngành hàng chính như sữa và sản phẩm từ sữa, thực phẩm đóng gói, sản phẩm chăm sóc cá nhân tiếp tục đóng góp lớn vào mức tăng của thị trường khi có mức tăng lần lượt 8,5%; 10,8% và 14,5%. Trong khi đó, đồ uống giảm đáng kể (-6,8%), một phần có thể do hạn chế việc đi lại, tham quan du lịch, tụ họp bạn bè cũng như nhu cầu tiệc tùng giảm và ưu tiên bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng tác động mạnh đến chi tiêu trữ hàng trong mùa dịch. Với tâm lý lo lắng và hoang mang trong giai đoạn dịch bùng phát, NTD bắt đầu chủ động tăng cường mua sắm và dự trữ hàng hóa tiêu dùng nhanh. Thức uống là ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong mùa dịch trong khi các ngành hàng khác đều tăng trưởng hai con số. Cụ thể, tiêu dùng thức uống giảm 14,1%; sữa và sản phẩm từ sữa tăng 10,3%; thực phẩm đóng gói tăng 26,2%; sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 29%; sản phẩm chăm sóc gia đình tăng 11,4%.

Đáng lưu ý, giỏ hàng của NTD thay đổi trước ảnh hưởng dịch Covid-19. Danh sách cắt giảm gồm các sản phẩm tiệc tùng như bia (giảm 24%), nước ngọt có gas (giảm19%). NTD tăng mua các sản phẩm vệ sinh cá nhân, chăm sóc gia đình; sản phẩm tăng cường dinh dưỡng và hệ miễn dịch cho trẻ em, người cao tuổi (sữa bột, sữa chua uống); thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn (mì gói, cháo gói, đồ hộp...).

Đặc biệt, các kênh mua sắm chuyển dịch mạnh. Do tác động của việc hạn chế di chuyển và tiếp xúc vật lý, thương mại điện tử bùng nổ với mức tăng ba chữ số (133%) trong thời kỳ dịch bùng phát.

Ngoài ra, với sự gia tăng nhu cầu về khẩu trang và nước rửa tay khô của người Việt trong những ngày cao điểm gần đây, các cửa hiệu drugstore (mô hình chuyên kinh doanh các mặt hàng sức khỏe và sắc đẹp như Medicare, Guardian) và nhà thuốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức 164% và 168%.

Các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý với mức 30 – 32%, chiếm ưu thế hơn so với các kênh mua sắm truyền thống do nhu cầu trữ hàng của NTD tăng cao, đồng thời cũng là nơi mua sắm sạch sẽ, vệ sinh, đa dạng về chủng loại. Đây cũng là kênh cập nhật nhanh các chương trình hỗ trợ NTD trong thời kỳ dịch bệnh như: giao hàng tận nhà, bình ổn giá, “giải cứu” nông sản… Trong khi đó, các kênh chịu ảnh hưởng là cửa hàng tiện lợi (giảm 30%), tiệm tạp hóa chỉ tăng nhẹ 2%.

Theo Kantar Việt Nam, NTD ở nông thôn cũng bắt đầu có những động thái dự trữ hàng tiêu dùng - chậm hơn một tuần sau thời kỳ cao điểm ở khu vực thành thị.

Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao hành động của Chính phủ Việt Nam trước đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực đáng kể đối với cộng đồng DN châu Âu, theo kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

BCI cập nhật thường xuyên đánh giá của các lãnh đạo DN châu Âu về môi trường thương mại, đầu tư và triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Tương tự với tình hình chung của cả thế giới bị tác động của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư quốc tế, BCI của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất với 26% trong quý đầu tiên của năm 2020, tương đương mức giảm 51 điểm từ 77% được ghi nhận vào cuối năm 2019.

Theo EuroCham, kết quả trên trực tiếp phản ảnh tác động của dịch Covid-19, hơn 90% các lãnh đạo DN nói rằng COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến DN của họ, với hơn một nửa báo cáo tác động tiêu cực là ‘đáng kể’. Trong khi đó, gần 80% được khảo sát cho rằng việc kinh doanh của họ đã phải chịu chi phí cao hơn do các biện pháp nhằm bảo vệ công nhân và ngăn chặn sự lây lan của virus được thực hiện.

Tuy nhiên, bất chấp tác động tiêu cực về mặt kinh tế của COVID-19, các công ty châu Âu vẫn đang thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người lao động. Có đến 4/5 lãnh đạo DN được hỏi tự tin rằng họ sẽ có thể giữ lại ít nhất 70% số lượng lao động trong quý tiếp theo. Trong khi đó, 80% DN đã yêu cầu nhân viên của họ làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Sơn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo