Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Biến nguy thành cơ, ​tìm kiếm cơ hội trong thách thức

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn chiều 5/12
(Thanhuytphcm.vn) - Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, chiều 5/12, các đại biểu đã tham dự 2 tọa đàm chuyên đề về: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội

Tại tọa đàm chuyên đề “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế’’, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thảo luận bàn tròn về các nội dung: an sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam; đẩy mạnh đào tạo nghề, góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước; các khuyến nghị chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam…

Về định hướng giải pháp hoàn thiện và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho rằng, cần khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế… để nhanh chóng mở rộng phạm vi bao phủ của các chương trình an sinh xã hội dựa trên đóng góp. Cần coi đó như một chiến lược để phát triển hệ thống an sinh xã hội tiến bộ, bền vững, phù hợp với các thách thức khách quan về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường và hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp trên diện rộng. Đảm bảo quy trình xác định đối tượng, xác định thiệt hại và thủ tục hành chính được rút gọn tối đa để đảm bảo hỗ trợ kịp thời…

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia nổi tiếng Diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia nổi tiếng

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia cao cấp Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuyển tiền hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất để thúc đẩy tổng cung, tổng cầu. Theo đó, Chính phủ có thể đưa ra phương án vận chuyển những người lao động an toàn để họ quay lại khu vực công nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà, qua đó, thúc đẩy phục hồi kinh tế ngắn hạn, đảm bảo người thuê lao động có nguồn nhân lực cần thiết để sản xuất trong thời điểm tới.

Cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo

Tại tọa đàm chuyên đề “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, các ý kiến tập trung thảo luận về dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới; khuyến nghị về chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế…

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khẳng định dư địa cho chính sách tài khóa vẫn còn, tuy nhiên, cần hết sức chú ý đến thách thức từ tính bất định của dịch bệnh, khi đó, nếu dùng hết dư địa tài khóa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, quy mô của chính sách tài khóa nên được xác định mức độ vừa phải, thực hiện trong vòng 2 năm. Ước tính quy mô của gói chính sách tài khóa trong khoảng 4% GDP (chưa tính chi phí cho y tế) và khoảng 5,8% - 6% GDP nếu tính đến các chi phí y tế. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 - 2023 khoảng từ 3,8% - 4,1% GDP là ở mức an toàn. Ông cũng cho rằng, cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không thể có gói hỗ trợ quá lớn và cần có sự hỗ trợ với chính sách tiền tệ bảo đảm hài hòa chính sách và cần có kế hoạch kịp thời đẩy mạnh giải ngân chính sách tài khóa và thực hiện các giải pháp hỗ trợ đầu tư công, giải ngân đầu tư công. Hơn nữa, các chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt với chính sách y tế, bám sát với kịch bản y tế để giảm tính bất định do nguyên nhân y tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cần đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.

Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset khuyến nghị, bối cảnh mới đòi hỏi cần có giải pháp mới. Phục hồi sau khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ; tăng cường các quy định chống chuyển dịch lợi nhuận; áp dụng hoặc tăng cường đánh thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số; giảm danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng hoặc hưởng thuế suất 5%; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon; ban hành thuế tài sản…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu tại diễn đàn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát, diễn đàn đã rất thành công, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ trong chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho cả Nhà nước, ngân hàng. Ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp thì ngân hàng cũng không có nguồn thu. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế của gói hỗ trợ năm 2009 khi hỗ trợ khá tràn lan, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc hỗ trợ lãi suất hoàn toàn thực hiện được, nhưng sẽ tập trung vào một số ngành có khả năng phục hồi. Bởi nếu không hạ lãi suất điều hành thì vẫn có công cụ khác để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, một trong những giải pháp là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại Nhà nước, 1 đồng tăng vốn thì tạo ra 8 đồng vốn tín dụng nên có tác dụng rất tốt. Một vấn đề khác, để chương trình phục hồi kinh tế thành công thì cần hoàn thiện thể chế - đó là một trong yếu tố quan trọng nhất.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua diễn đàn có thể thấy một thông điệp quan trọng mà các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị, đó là Việt Nam  cần tự lực tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, phải cải thiện năng lực quản trị quốc gia và doanh nghiệp; lạc quan, biến nguy thành cơ, tìm kiếm cơ hội trong thách thức.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo