Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Định hướng chiến lược trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Đoàn ĐBQH TP HCM làm việc tại tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 21/5, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV bước vào phiên thảo luận đầu tiên tại tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Lo ngại trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm thảo luận là những lo ngại trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua. “Trong 30 năm thu hút FDI đã đạt được kết quả nhất định, số vốn đăng ký lên tới trên 318 tỷ USD, giải ngân 172,3 tỷ USD. FDI thời gian qua hỗ trợ tăng trưởng 20%, vốn đầu tư 24%, kim ngạch xuất khẩu FDI chiếm tới 72%. Qua thông tin đó để thấy đây là yếu tố không bền vững, chỉ cần có một sự chuyển hướng đầu tư đi ra nước ngoài hoặc rút vốn ra là tác động đến kinh tế Việt Nam”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, chúng ta rất cần nguồn vốn FDI nhưng phải có sự chuyển hướng hoặc có định hướng chiến lược trong thu hút nguồn vốn này. Bốn tiêu chí đại biểu đưa ra cho việc thu hút FDI, đó là xanh, sạch, chất lượng và tính lan tỏa. Thời gian qua, FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhưng sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ để giúp cho các thành phần kinh tế trong nước phát triển vẫn rất mờ nhạt.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng nhìn nhận: Chúng ta đều thống nhất với nhau là FDI phải trở thành bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của khu vực kinh tế này chưa rõ. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng sau 30 năm thu hút vốn FDI, “lực lượng ấy, công nghệ ấy, nguồn lực ấy vẫn là một thành phần xa lạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam từ những năm trước đã phải cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài họ buộc phải bán doanh nghiệp vì không đủ sức để cạnh tranh.

Thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân là do quản lý kém, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng doanh nghiệp FDI vào Việt Nam được ưu đãi đất đai, môi trường, nguồn nhân lực giá rẻ và khi ưu đãi là ngân sách nhà nước bị mất đi một phần, nguồn thu ngân sách giảm. Vì vậy, cần có nhìn nhận và chính sách khác đi đối với FDI, không thể hy sinh môi trường, không thể dễ dãi trong việc thu hút FDI.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý Chính phủ về xây dựng 3 đặc khu Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn. Cho rằng chủ trương không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ có khả năng thực hiện, quản lý và làm cho dự án đó thành công hay không? Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm của một số chuyên gia, gọi đây là sự đặt cược lớn. “Ba đặc khu này là rất lớn và nó liên quan tới cả trăm ngàn dân ở các vùng miền; liên quan đến rừng vàng, biển bạc của chúng ta, đến các di sản thiên nhiên của chúng ta, chúng ta đã tính hết chưa? Cần lưu ý vì đã có những quốc gia phải trả giá cho việc này, có những nước không trả được nợ”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Cơ chế bảo vệ nhân viên y tế

Nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng thuốc giả, thuốc lậu, thuốc kém chất lượng, cán bộ y tế bị tấn công trong bệnh viện; tình trạng tội phạm diễn ra phức tạp… cũng được đại biểu quan tâm thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận tình trạng cháy nổ, nhất là cháy chung cư đang diễn ra nghiêm trọng, hầu như ngày nào cũng xảy ra cháy. Trong 4 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 1.450 vụ cháy nổ. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, Chính phủ cần tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này để bàn giải pháp xem tại sao cháy chung cư liên tiếp như vậy, để từ đó xác định trách nhiệm.

Về vấn đề tội phạm, đại biểu Lê Thị Nga cho biết, dư luận bức xúc khi tội phạm nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm. Vụ đánh bạc xảy ra ở Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) vừa qua cho thấy đánh bạc nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao, điều này cần xử lý nghiêm.

Đề cập đến một vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay, đó là vụ thuốc Vinaca quảng cáo là thuốc hỗ trợ và điều trị ung thư nhưng được sản xuất từ bột than tre, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) mong muốn vụ việc được xử lý nghiêm để có tính răn đe đối với những trường hợp khác. “Sức khỏe, tính mạng của người dân chúng ta đang bị đe dọa bởi những con người vụ lợi và mất đạo đức này”, bà Phong Lan nói.

Dẫn giải vụ xử bác sỹ Hoàng Công Lương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) trong vụ việc tai biến chạy thận làm 8 bệnh nhân tử vong, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lo ngại: “Tôi rất hoang mang, việc xử đúng người, đúng tội còn đang chưa rõ ràng, tại sao lại đổ hết tội cho một bác sĩ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân trong khi bác sĩ đó làm sao biết được chất lượng nước này là như thế nào?”.

“Nếu có tiêu cực trong việc sử dụng nước và những thiết bị đó thì ai là người hưởng lợi, không thể là bác sĩ điều trị dưới khoa mà ở các cấp lãnh đạo, cấp khoa, cấp bệnh viện, giám đốc công ty trang thiết bị” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói và cho rằng chúng ta đang thiếu hệ thống pháp lý bảo vệ các bác sỹ. Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) cũng đề cập đến vấn đề tạo hành lang pháp lý, cơ chế bảo vệ nhân viên y tế, bởi nhân viên y tế hiện rất thiệt thòi.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo