Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng chia sẻ: Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cho rằng, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.

Sau một thời gian phòng, chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Có được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho thấy, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nghị quyết bao gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 4 nhóm chính: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Trong 59 nhiệm vụ, giải pháp, có 21 giải pháp liên quan đến sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; 38 giải pháp liên quan đến hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; 18 nhiệm vụ cần hoàn thành trong tháng 9/2021. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao và đạt được một số kết quả cụ thể.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hoá giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội với các địa phương khác; các địa phương không tự ý đặt ra các “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa...

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo về việc ưu tiên tiêm vaccin cho người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.

Quang cảnh cuộc họp. Quang cảnh cuộc họp.

Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 bao gồm 12 chính sách hỗ trợ với tổng mức khoảng 26.000 tỷ đồng. Nhiều chính sách trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện, sửa đổi Nghị quyết này theo hướng giảm bớt thủ tục, sát với thực tế nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.

Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng giá trị khoảng 115.000 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép thực hiện giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Y tế tiếp thu, nghiên cứu một số kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm hoàn thành việc giảm miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ kiến nghị các địa phương khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế hoặc kế hoạch mở cửa, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023...

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo