Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đồng chí Nguyễn Văn Lựu: Cả cuộc đời gắn với công tác an ninh

(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Nguyễn Văn Lựu sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở ngay vùng ven thành phố, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông sớm giác ngộ cách mạng. Trước năm 1945, ông đã gia nhập Thanh niên Cứu quốc, tham gia phong trào kháng Nhật, cứu nước và chuẩn bị cho việc Tổng khởi nghĩa. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa chính quyền ở địa phương và tỉnh Gia Định.

Tháng 8 năm 1945, sau Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền nhân dân tỉnh Gia Định được thành lập. Từ cuối tháng 8 đến tháng 12 năm 1945, ông được chọn làm Thư ký riêng cho Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (Tỉnh ủy Tiền phong) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau đó, từ tháng 12 năm 1945 đến tháng 2 năm 1948, ông giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Định, trực tiếp làm việc với ông Phạm Văn Chiêu - Chủ tịch Ủy ban.

Bước sang năm 1948, cuộc kháng chiến của đồng bào Gia Định đã thu được nhiều thành tích to lớn trên cả hai mặt trận là kháng chiến và kiến quốc. Tuy nhiên, Gia Định cũng là nơi địch đánh phá ác liệt, bọn phản động cũng gia tăng hoạt động chống phá cách mạng. Trong tình hình đó, công tác an ninh, giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ cách mạng đặt ra cấp bách. Từ tháng 2 năm 1948 đến tháng 6 năm 1951, ông được cử làm Trưởng ty Công an tỉnh Gia Định, được tín nhiệm bầu vào Tỉnh ủy và là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Gia Định. Sự lựa chọn của lãnh đạo tỉnh cử ông làm Trưởng ty Công an mở đầu cho việc ông gần như suốt đời gắn bó với công tác an ninh của địa phương cũng như của Bộ Công an sau này. Với cương vị Trưởng ty Công an, ông đã góp phần củng cố, làm trong sạch địa bàn, trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ quần chúng và các cơ quan của tỉnh.

Tháng 5 năm 1951, Trung ương Cục miền Nam đã họp ngay sau khi được thành lập. Hội nghị đã quyết định bố trí lại các khu, các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ, bố trí lại sự chỉ huy các khu và toàn Nam Bộ. Theo quyết định của Trung ương Cục, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã sắp xếp lại các tỉnh. Tỉnh Gia Định ghép với tỉnh Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh, có thêm các huyện Đức Hòa, Trung Huyện, khu Đông Thành của tỉnh Chợ Lớn cũ. Khi tỉnh Gia Định sáp nhập với tỉnh Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh, ông là Tỉnh ủy viên, giữ chức Trưởng ty Công an tỉnh Gia Định Ninh từ tháng 6 năm 1951 đến tháng 7 năm 1954. Tại Gia Định Ninh, từ năm 1952 trở đi, trừ vùng Dương Minh Châu và huyện Châu Thành, còn lại đều trở thành vùng bị tạm chiếm. Địch tăng cường càn quét đánh phá, thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá”, đồng thời tung do thám, gián điệp vào vùng tự do, vùng tranh chấp. Bất chấp hiểm nguy, thử thách, được sự che chở của đồng bào, ông đã cùng các lực lượng công an, du kích trừng trị nhiều tên tề điệp nhiều nợ máu với dân, nhiều tên đã bị kết án và xử tội ngay giữa thị trấn Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức. Hoạt động của du kích và công an đã không những bảo vệ lực lượng kháng chiến, bảo vệ Nhân dân mà còn làm nhụt chí bọn tay sai của thực dân Pháp ở địa phương.

Bước sang năm 1953, nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Trung ương Cục đề ra 5 nhiệm vụ cần tập trung trong năm, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Phát động chiến tranh du kích mạnh mẽ, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực nhỏ của địch, chống phá các cuộc càn quét chiếm đóng lan rộng của địch vào vùng du kích, đặc biệt chống biệt kích và chống gián điệp”. Ông đã chỉ đạo Cơ quan Công an Gia Định Ninh tăng cường hoạt động, phối hợp với du kích an ninh vũ trang tiêu diệt địch, bảo vệ các vùng du kích của ta, đấu tranh có hiệu quả chống gián điệp biệt kích của địch vào căn cứ.

Đầu năm 1954, khi ta bắt đầu tiến công Điện Biên Phủ, chiến trường Đông Nam Bộ đã tăng cường hoạt động phối hợp. Ở Gia Định Ninh, chiến tranh du kích phát triển, vùng giải phóng được mở rộng. Ông chỉ đạo Công an Gia Định Ninh phối hợp đánh địch bằng lực lượng bộ đội địa phương và du kích, đồng thời xây dựng, củng cố an ninh trên địa bàn.

Hiệp định Genève được ký kết, Nguyễn Văn Lựu được lệnh tập kết ra Bắc. Thực hiện nhiệm vụ này, tháng 9 năm 1954, ông làm nhiệm vụ giúp tổ chức lực lượng bảo vệ khu tập kết, đồng thời tham gia làm phiên dịch với các đoàn Pháp, Ba Lan. Tháng 11 năm 1954, ông ra đến Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ở đây, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban cung cấp, Phó Ban cán sự Ban đón tiếp cán bộ, Nhân dân miền Nam tập kết tại Sầm Sơn. Tháng 3 năm 1955, ông là Phó Ban đón tiếp Sầm Sơn.

Tháng 6 năm 1955, ông được đi chữa bệnh, sau đó về nhận nhiệm vụ tại Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 9 năm 1955, ông được điều về Bộ Công an. Tại đây, ông được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 9 năm 1959, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Vụ Bảo vệ chính trị, Bộ Công an, sau đó được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Công an Trung ương. Với kiến thức và kinh nghiệm thực tế phong phú, ông đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển Trường Công an Trung ương đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Là cán bộ trưởng thành từ thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cả cuộc đời Nguyễn Văn Lựu gắn bó với ngành Công an, gắn bó với Sài Gòn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Ngày 19 tháng 4 năm 1963[1], ông qua đời sau một cơn bệnh đột ngột. Ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển, ngoại thành Hà Nội.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)

-------

[1]  Có tài liệu thể hiện ông qua đời năm 1969.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo