Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đồng tâm, hiệp lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
(Thanhuytphcm.vn) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương diễn ra vào ngày 12/2.

Tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đi vào hoạt động đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM

Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019. Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử cũng đã có những kết quả tích cực. Đến nay, cả nước có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của TP. (Ảnh Đình Lý) Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của TP. (Ảnh Đình Lý)

Tại TPHCM, để tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử TP năm 2020, UBND TPHCM tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo về kiến trúc chính quyền điện tử TP; Cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ Việt Nam phiên bản 2.0. TP cũng đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung của TP - giai đoạn 1, đã và đang phục vụ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của TP. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, kho dữ liệu đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, đăng ký doanh nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục. Đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ ngành Trung ương; phục vụ hiệu quả cho quá trình phát triển Kho dữ liệu dùng chung của TP. Ngoài ra, triển khai thử nghiệm Cổng dịch vụ công TP, hệ thống một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính với 4 thủ tục hành chính đối với 3 quận - huyện và 9 phường, xã - thị trấn tại địa chỉ http://dvc.hochiminhcity.gov.vn/; tiếp tục xây dựng, triển khai 24 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công TP tại 18 đơn vị bao gồm 4 sở, 5 quận - huyện và 9 phường, xã - thị trấn; hoàn tất thực hiện các công tác kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công TP với Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 27 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 3 thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ và 24 dịch vụ công theo đề xuất kết nối của TP…

Gắn với cải cách hành chính

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương đã có những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực như: Rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi,...

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nước ta đang đứng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới và thứ 6/11 nước trong khối ASEAN về xây dựng Chính phủ điện tử, như vậy là còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh. (Ảnh Đình Lý) Trung tâm điều hành đô thị thông minh. (Ảnh Đình Lý)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị một số đơn vị thực hiện Chính phủ điện tử cần có đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện Chính phủ điện tử trong năm 2019 để tiếp tục lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, cần có những định hướng để các địa phương phải chuyển từ nhận thức sang hành động để có thể triển khai một cách hiệu quả nhất về các giao dịch điện tử.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí. “Không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn”.- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng nền tảng để mọi người dân, mọi doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đồng tâm, hiệp lực quyết tâm cụ thể hóa trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử có bước tiến cao hơn…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng xây dựng Chính phủ điện tử nhất định phải gắn với cải cách hành chính. Thời gian tới cần giải quyết đồng bộ các vấn đề pháp lý trong quá trình công nhận các văn bản, chữ ký số; cần phải huy động mọi nguồn lực, thực hiện các vấn đề: Đẩy mạnh thanh toán điện tử; liên thông cơ sở dữ liệu; đảm bảo an ninh mạng,...
Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo