Các đại biểu (ĐB) Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật; nhất trí việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. 4 luật mà Chính phủ trình có hiệu lực sớm đều là những đạo luật rất lớn, rất quan trọng, thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc sớm đưa các luật này vào cuộc sống nhằm khắc phục những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, giúp cho việc sớm giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều ĐB nêu thực tế vừa qua có những luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, để các luật có hiệu lực sớm hơn thì các văn bản hướng dẫn chi tiết phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành.
ĐB Phan Văn Mãi (TPHCM) cũng chung băn khoăn điều này và cho rằng việc thực hiện sớm sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên cần chuẩn bị kỹ các văn bản hướng dẫn kịp thời. TPHCM cũng đang rốt ráo chuẩn bị ban hành 11 văn bản hướng dẫn cho 20 nội dung để kịp thời triển khai các luật này từ 1/8/2024.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho biết đây là một thách thức cho các địa phương. Thông thường địa phương phải căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương để đồng bộ. Nhưng hiện nay Trung ương chưa ban hành nghị định, thông tư, chỉ mới có mộ số, nên địa phương rất khó khăn trong xây dựng các văn bản, do đó để việc thực thi luật sớm thực sự có ý nghĩa, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng việc thi hành luật sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn và lo ngại nhất là có tác động, tranh chấp, do đó đề nghị xem xét bổ sung 1 điều khoản để có thể giải quyết tranh chấp (nếu có), hạn chế tác động bất lợi khi luật có hiệu lực. ĐB mong muốn bộ, ngành địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng chất lượng văn bản ban hành chi tiết, tránh ban hành xong lại điều chỉnh.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đặt vấn đề, chỉ còn hơn 1 tháng các luật này sẽ có hiệu lực (nếu Quốc hội thông qua), trong khi đó còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa chuẩn bị xong. Do đó, các cơ quan cần huy động tối đa nguồn lực để hoàn thiện văn bản, có như thế, nghị định mới sớm áp dụng, hạn chế được tình trạng “nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định”. Bên cạnh đó, ĐB cũng đặt câu hỏi: đẩy sớm thực hiện luật thì các vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản có giải quyết được ngay không? Ví dụ, TPHCM đang có hàng trăm dự án bất động sản bị vướng, nếu đẩy sớm các luật thì có đầy đủ văn bản hướng dẫn để tháo gỡ hay không.
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) băn khoăn, vấn đề thời điểm hiệu lực sớm hơn không chỉ là thời gian mà còn là tính tác động. Nhiều hợp đồng, thỏa thuận ký kết, nhiều dự án kinh doanh, bất động sản, giao dịch... đã lấy mốc từ 1/1/2025. Nên nếu đẩy sớm hiệu lực thi hành lên 5 tháng thì liệu có gây thiệt hại, bất lợi cho khu vực, bộ phận kinh tế nào đó?
Nhiều ĐB cũng lo ngại các văn bản hướng dẫn liệu có kịp chuẩn bị. Việc có hiệu lực sớm hơn có nhiều cái lợi, nhưng về luật pháp phải xem xét các tác động nhiều mặt, do đó cần phải giải thích rõ hơn để cử tri, đặc biệt khu vực doanh nghiệp bất động sản hiểu rõ.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá tác động toàn diện khi đẩy sớm hiệu lực thi hành của 4 luật; tập trung làm rõ những tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để có giải pháp xử lý thích hợp, bảo đảm lợi ích tối ưu cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân; đánh giá rõ và sâu hơn các điều kiện bảo đảm thực hiện.
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch của Hà Nội và TPHCM là những quy hoạch rất quan trọng, được làm hết sức thận trọng và công phu, bài bản và khoa học.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) Về tình hình chung của công tác lập quy hoạch của cả nước, Bộ trưởng cho biết, đến nay sau 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch và sau 2 năm tập trung một cách cao độ cho công tác lập quy hoạch, chúng ta đã hoàn thành lập tổng cộng 109/111 quy hoạch, một quy hoạch xin phép không lập, một quy hoạch đang làm, đang thẩm định, phê duyệt, tổng cộng đã hoàn thành được 93/111 quy hoạch.
Đối với các địa phương, đã hoàn thành lập toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố; quy hoạch cuối cùng là của TPHCM. Hà Nội cùng các cơ quan sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch Hà Nội; cùng với quy hoạch TPHCM để Thủ tướng Chính phủ có thể phê duyệt cả 2 quy hoạch này trong tháng 6 năm 2024.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (cơ quan thẩm định đồ án) cho biết, Đồ án lần này, với tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065, Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Quy hoạch của Hà Nội có nhiều đổi mới với nhiều tư duy đột phá. Quan điểm định hướng phát triển như thành phố quay mặt ra sông, mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước… Quy hoạch cũng đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là 1 trong 2 cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước.