Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Du lịch căng mình vượt khó

Covid-19 là thời điểm khó khăn nhưng cũng là “phép thử” của ngành du lịch Việt

(Thanhuytphcm.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thường trực Chính phủ về việc đánh giá tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, báo cáo dự tính nếu dịch kéo dài hết quý I-2020, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD. Trước dự báo “lao dốc” này ngành du lịch đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn này.

Mở cửa các điểm du lịch, không kỳ thị phân biệt đối xử

Nhằm ngăn chặn đà suy giảm khách đến từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc, ngày 12/2 Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh gửi thư đến các đối tác quốc tế khẳng định trong thời gian dịch bệnh diễn ra, ngành du lịch sẽ duy trì trách nhiệm với cộng đồng xã hội và đặt ưu tiên hàng đầu đối với du khách và sự an toàn của du khách. Với sự kiểm soát hiệu quả của Chính phủ Việt Nam và những biện pháp phòng tránh dịch bệnh đang được triển khai tới tất cả các địa phương và điểm tham quan, ngành du lịch Việt Nam khẳng định rằng du khách đến Việt Nam thời điểm này luôn được đảm bảo an toàn. Trong thư, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, hiện nay “Các điểm tham quan, khu di tích, nhà hàng phục vụ khách du lịch vẫn được mở cửa bình thường”. Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để có các biện pháp phòng chống và giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Một số điểm tham quan luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất nhằm tăng cường phòng, chống dịch như phun khử trùng, phát khẩu trang, đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách.

Các đoàn khách lớn đi tour mùa này, các công ty du lịch khẳng định luôn có đủ khẩu trang trang bị cho du khách. Song song với các hãng lữ hành, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ cũng khẳng định sẽ chi trả bảo hiểm cho khách hàng nếu không may mắc phải Covid-19 như hỗ trợ chi phí nằm viện, bồi hoàn chi phí nằm viện và phẫu thuật, chi trả toàn bộ chi phí y tế phát sinh từ các dịch vụ được bác sĩ chỉ định trong quá trình điều trị bệnh…

Cùng đó, lãnh đạo ngành du lịch cũng nhấn mạnh việc không kì thị, phân biệt đối xử với bất kì đối tượng du khách nào là quan điểm nhất quán của ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang có những diễn biến phức tạp.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần phải bình tĩnh, chủ động trong công tác ứng phó với dịch bệnh, tránh nghiêm trọng hóa tạo ra sự kì thị khách. Điều này sẽ gây phản cảm và tác động xấu đến ngành du lịch, việc khôi phục lại thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Một số địa phương đón nhiều khách từ các thị trường bị ảnh hưởng dịch như Khánh Hòa, Quảng Ninh… rất đồng tình với ý kiến của ông Vũ Thế Bình. Lãnh đạo các Sở Du lịch này cho rằng việc kì thị khách đến từ vùng dịch sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách. Vì vậy, nếu có thông tin về trường hợp phân biệt, kì thị khách, địa phương sẽ xử phạt nghiêm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về việc đối xử bình đẳng với mọi du khách đến tham quan, du lịch.

Trong bối cảnh như hiện này, theo Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Lê Quang Tùng, sự chủ động, bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh là việc rất quan trọng đối với ngành du lịch. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về dịch bệnh với người dân, du khách chủ động phòng tránh, đồng thời cần đối xử văn minh thanh lịch với mọi du khách, qua đó tạo hiệu ứng tốt giúp ngành du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh chấm dứt và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá ngay khi có thể.

Miễn giảm visa, mở lớp đào tạo nhân lực chất lượng cao

Dự báo kịch bản của ngành Du lịch thì dịch bệnh sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 và các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4. Nếu kịch bản này xảy ra thì ngành Du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa (bắt đầu vào cao điểm từ cuối tháng 5). Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè mà khách du lịch nội địa sẽ chi nhiều nhất và đi du lịch nhiều nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng có thể xúc tiến các hoạt động du lịch outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) để bù đắp những tổn thất từ đầu năm. Dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6 và để khách tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm (từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021) thì ngay trong thời gian từ tháng 4-9 ngành Du lịch cần phải có những biện pháp tăng cường công tác xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài.

Giải pháp đầu tiên để khôi phục hoạt động du lịch sau dịch là đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm, thị trường gần, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN, kết nối thị trường mới Ấn Độ; tăng cường thị trường Mỹ… Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã nêu kiến nghị mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho những thị trường du lịch lớn, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam như: Ấn Độ, Australia, New Zealand… và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu… Đến nay, khi ngành Du lịch đang gặp khó khăn, việc miễn thị thực đơn phương và miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế nếu thực hiện được sẽ là giải pháp tích cực giúp ngành vượt qua cơn sóng gió.

Từ ngày 13 đến 15/2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội du lịch cộng đồng Việt Nam phối hợp mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong mùa dịch COVID-19. Cụ thể, các học viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức về các thị trường Hàn Quốc; Nhật Bản; Campuchia - Lào - Thái;  Mỹ, Canada; Dubai, Ấn Độ… Với mỗi thị trường, học viên được chia sẻ thông tin cơ bản về tuyến điểm cũng như các sản phẩm, dịch vụ.

Nhóm giải pháp cấp bách thì những đề xuất chính sách về giảm miễn các loại thuế, các gói tín dụng, giãn nợ, giảm lãi suất, mở rộng chính sách miễn thị thực đơn phương và miễn giảm lệ phí visa cho khách quốc tế… cần phải thực tế, thiết thực và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng. Xây dựng và triển khai ngay các gói kích cầu để thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch nội địa. Đồng thời, cần tăng thêm nguồn ngân sách cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch ở cả trong và ngoài nước.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương cũng cần có những giải pháp duy trì hoạt động, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ví dụ như ngành Hàng không cũng cần mở rộng sân bay, nhà ga, kết nối các đường bay mới đến các thị trường quốc tế trọng điểm; UBND các tỉnh/thành phố tăng cường quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ, không tăng giá vé tham quan, không để tình trạng “chặt chém” khách du lịch xảy ra sau dịch…

Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Đây sẽ là cơ hội để ngành Du lịch cơ cấu lại thị trường, đa dạng hoá thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường quá lớn. Đẩy mạnh kích cầu, tăng cường sự liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch; liên kết giữa trung ương và địa phương; liên kết công - tư. Ngành Du lịch lúc này cần chủ động để nâng cấp chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo