Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đưa đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước tăng khoảng 5% - 10%

(Thanhuytphcm.vn) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết nêu rõ, khu vực DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Trong các năm qua, DNNN đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 và những biến động trong khu vực và quốc tế, DNNN đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực DNNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong huy động nguồn lực, trong đó, vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn doanh nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của DNNN trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh thành, Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để đến hết năm 2025, phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN. Có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD; 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon. Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Để đạt tới mục tiêu này, Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp, một trong những nhiệm vụ và giải pháp là đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; gắn chiến lược phát triển của DNNN với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước. Giao nhiệm vụ cho DNNN triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), công nghiệp bán dẫn, đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia (như đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển...), hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất (như luyện thép, hóa dầu)... trên cơ sở thế mạnh, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Nghị quyết nêu rõ, xây dựng cơ chế khuyến khích phối hợp, hợp tác giữa DNNN với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực, mở rộng không gian kinh doanh trên nguyên tắc các bên cùng đạt hiệu quả. Nghiên cứu, nâng cao vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, nhất là vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng.

Cùng với đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN. Rà soát, tinh giản bộ máy; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả. Kiên quyết phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “lợi ích nhóm”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; tiết kiệm tối đa chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai... của DNNN, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xây dựng uy tín và thương hiệu của DNNN trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chính phủ cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo