Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giới thiệu loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào các trường đại học, cao đẳng

Biểu diễn Dân ca Quan họ Mời nước, Mời trầu của sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 4/6, Trung tâm Văn hóa TPHCM phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức chương trình biểu diễn và giới thiệu âm nhạc dân tộc. Chương trình đã mang đến không gian nghệ thuật đặc sắc với các tiết mục giới thiệu và biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, do những nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật và sinh viên biểu diễn. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cũng đã giới thiệu về lịch sử và giá trị của các loại hình di sản đến sinh viên.

Xem chương trình, nhiều sinh viên cho biết rất thích thú vì lần đầu tiên được trực tiếp thưởng thức cùng lúc nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật chỉ được trình diễn và lưu truyền ở phía Bắc còn khá xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay, do các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Khác với các chương trình sân khấu nghệ thuật thuần túy khác, trong mỗi đầu mỗi tiết mục đều có phần giới thiệu chi tiết từng loại hình, nhờ vậy mà các em có cơ hội hiểu rõ hơn về các di sản phi vật thể, như những nét đặc trưng, giá trị, thời điểm được UNESCO công nhận là Di sản của nhân loại, đồng thời các sinh viên còn được giao lưu trao đổi với nghệ nhân để qua đó hiểu sâu hơn về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Biểu diễn Hát - Múa - Hầu đồng Ông Hoàng Mười của các nghệ nhân Biểu diễn Hát - Múa - Hầu đồng Ông Hoàng Mười của các nghệ nhân

Bàn về tính hiện đại trong bộ gõ âm nhạc dân tộc, nghệ nhân ưu tú Đức Dậu đã minh họa bằng màn biểu diễn đàn môi độc đáo thông qua các nhạc cụ tự chế đơn giản như thanh tre, chiếc lá, cây nứa hay thanh kim loại,… Trong mỗi nhạc cụ phát ra một âm thanh mê hoặc khác nhau, lúc hùng tráng rộn ràng trong ngày lễ hội, khi du dương ngọt ngào trong lời tỏ tình nam nữ. Ngoài ra, nghệ nhân ưu tú Đức Dậu và nghệ nhân Thu Hiền đã giới thiệu và trình diễn đến các sinh viên những loại nhạc cụ dân tộc khác như bộ gõ, bộ trống, đặc biệt là hai nghệ nhân đã biểu diễn bài Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho bằng tiếng đàn T’rưng kết hợp với các loại nhạc cụ khác nhau. Được biết, nghệ nhân ưu tú Đức Dậu đã có dịp đến 40 quốc gia trên thế giới để giới thiệu và biểu diễn về các loại nhạc cụ dân tộc này. Ông cũng chia sẻ với sinh viên về những kỷ niệm đẹp trong những lần trình diễn giao lưu tại các nước, về sự trân trọng của khán giả nước ngoài dành cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam,…

Sinh viên giao lưu và chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ, nghệ nhân Sinh viên giao lưu và chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ, nghệ nhân

Ngoài các tiết mục này, sinh viên còn được thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc như biểu diễn Ca trù (Hát ả đào) qua bài Tỳ bà hành và Hát múa bỏ bộ. Một loại hình nghệ thuật không thể thiếu đối với người dân Nam bộ là nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương. Tại chương trình, các sinh viên đã được thưởng thức bài Dạ cổ hoài lang qua phần trình diễn của nghệ sĩ Bích Phượng, phần ca ra bộ và trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh của các giọng ca tài tử. TS Mai Mỹ Duyên cũng đã giới thiệu những nét cơ bản và đầy đủ về cái hay, cái đẹp về loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này với sinh viên. Ngoài ra, chương trình còn có tiết mục biểu diễn đặc sắc Hát - Múa - Hầu đồng Ông Hoàng Mười.

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM, chương trình “Biểu diễn - giới thiệu một số loại hình nghệ thuật di sản trong các trường cao đẳng - đại học” là hoạt động rất có ý nghĩa giáo dục và cần thiết đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên các chuyên ngành văn hóa.

Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo