Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Gỡ bỏ những rào cản để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

(Thanhuytphcm.vn) - Đó là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đối với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Chính phủ diễn ra ngày 2/7.

Cần có giải pháp tháo gỡ về tích tụ ruộng đất

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, để phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt khai thác nguồn lực trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước cần có chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho phát triển ngành nông nghiệp, có giải pháp tháo gỡ về chính sách tích tụ ruộng đất. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhằm tăng quy mô sản xuất hàng hóa nông nghiệp đủ sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ về việc tích tụ đất đai, vì hiện nay các quy định của Luật Đất đai liên quan vấn đề này còn nhiều vướng mắc. Cùng với đó, có chính sách thông thoáng hơn trong phát triển nông nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị, Chính phủ cho phép tỉnh được thí điểm thuê đất công ích và dự phòng với thời hạn 30 - 50 năm nhằm tích tụ ruộng đất phát triển các trang trại, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: Trong những năm qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tăng trưởng mạnh và đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay vùng này đang chịu áp lực về gia tăng dân số và các vấn đề xã hội khác, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai đầu tư hệ thống đường sắt, sớm hoàn thành việc nâng cấp cầu Bình Lợi để phát triển hệ thống giao thông đường thủy phục vụ cho việc phát triển logistics Bình Dương và một số tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để đón đầu làn sóng các nhà đầu tư vào tỉnh, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị, Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định chủ trương đầu tư cho một số dự án khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; cũng như cho phép tỉnh thành lập Khu Công nghệ cao trên cơ sở Khu Công nghệ Thông tin trước đây do Bộ Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư tạo sự phát triển cho tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện môi trường kinh doanh thông thoáng giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh góp phần vào tăng trưởng kinh tế, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải kịp thời công bố TTHC có liên quan để đảm bảo pháp luật, cũng như đảm bảo tính nhất quán trong giải quyết TTHC khi thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, trong TTHC cần quy định rõ thời gian để giải quyết. Còn ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho địa phương thực hiện các TTHC.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tháo gỡ các thủ tục quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm công trực tuyến. Chính phủ sớm có hướng dẫn tháo gỡ các quy định về kết nối chia sẻ các dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban ngành.

Tập trung phát triển thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tại hội nghị các Bộ, ngành Trung ương cho biết, dự báo trong 6 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nhưng cũng có không ít khó khăn. Do đó, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phân tích: Đối với công nghiệp có nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là sự phát triển của doanh nghiệp trong nước thời gian qua phát triển tốt, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tham gia khai thác và phát triển thị trường. Đồng thời, các dự án lớn của công nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động như nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, một số dự án về lĩnh vực hóa chất… góp phần tăng trưởng công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trong thời gian tới, ngành công thương tập trung phát triển thị trường, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; rà soát lĩnh vực năng lượng đảm bảo yêu cầu cân đối cung cầu nguồn điện.

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Dù trong 6 tháng đầu năm, kết quả đạt được của ngành nông nghiệp là khá rõ nét, nhưng 6 tháng cuối năm vẫn còn khó khăn, vì có 3 thách thức lớn. Đó là tác động của biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của yếu tố thiên tai, thời tiết. Đồng thời, hiện nay Việt Nam có lượng hàng hóa xuất đi thị trường thế giới lớn và đang nổi lên vấn đề bảo hộ mậu dịch đòi hỏi chính sách ứng phó kịp thời nếu không sẽ xảy ra tình trạng ế thừa. Mặt khác, vấn đề dịch bệnh luôn tiềm ẩn do quy mô nền sản xuất Việt Nam quá lớn, kể cả lương thực, chăn nuôi, thủy sản. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành để có những giải pháp tích cực hơn trong tái cơ cấu nông nghiệp, khắc phục được những rủi ro, nguy cơ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế 7,08% GDP; đặc biệt là kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù đạt tăng trưởng cao trong 6 năm, nhưng quán tính động năng tăng trưởng đang giảm. Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng trong 2 quý cuối năm, cũng như chuẩn bị cho việc tăng trưởng năm 2019 - 2020.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cải cách doanh nghiệp Nhà nước mạnh mẽ hơn nữa, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế để thúc đẩy nền kinh tế. Đồng thời, chú ý chất lượng tăng trưởng, chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống người dân. Mặt khác, gỡ bỏ những rào cản để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cả Trung ương và địa phương phải thiết lập quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu hủy bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện điều kiện kinh doanh mới nằm núp bóng ở thể chế chính sách, pháp luật mới ban hành. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh phải chú ý điều này. Môi trường kinh doanh phải được cải thiện mạnh hơn với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí; cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, kết nối các thủ tục hành chính vào cổng thông tin một cửa quốc gia; cải cách hành chính phải thực hiện một cách thực chất. Ngoài ra, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự.

TPHCM kiến nghị được giải ngân kế hoạch vốn ODA

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu ý kiến tại đầu cầu TPHCM Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu ý kiến tại đầu cầu TPHCM

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho TP thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP gồm: Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức; xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi; xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn; nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo bố trí, tạm ứng vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương phù hợp với tiến độ thực hiện của các dự án trọng điểm của TP; đồng thời cho phép TP được giải ngân kế hoạch vốn ODA hàng năm theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài như quy định tại Điều 76 Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2018/NĐ - CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để TP và các địa phương có cơ sở triển khai hoạt động thu hút đầu tư các công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo