Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Gỡ vướng cho đại học tư thục phát triển

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng báo cáo tại phiên họp.

(Thanhuytphcm.vn) - Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 13/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật GDĐH hiện hành đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những hạn chế cơ bản của Luật GDĐH 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH trên thực tiễn, thể hiện trong các lĩnh vực: tự chủ đại học và quản trị đại học; quản lý đào tạo; quản lý nhà nước đối với GDĐH trong điều kiện tự chủ đại học...

Hệ thống bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ theo xu hướng quốc tế

Theo Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, với tinh thần đổi mới quản lý đào tạo, dự thảo Luật đã xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho GDĐH (chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH…) làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế và lộ trình thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH. Về liên kết đào tạo, dự thảo Luật quy định không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành đào tạo bác sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành này.

Về văn bằng GDĐH, dự thảo sửa đổi theo hướng quy định rõ hệ thống bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ theo xu hướng quốc tế; đồng thời, giao cho Chính phủ quy định tên văn bằng, chứng chỉ và trình độ của người học đã hoàn thành chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu trong GDĐH; bổ sung quyền của cơ sở GDĐH trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật. Luật cũng yêu cầu công bố công khai các thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự Luật của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng về vấn đề này cho biết, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành việc rút ngắn thời gian học và quy định thống nhất quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ như quy định tại Dự thảo Luật, nhưng yêu cầu phải có sự thống nhất và tương thích với Khung trình độ Quốc gia, nhất là cơ chế liên thông trong đào tạo giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và GDĐH khi rút ngắn thời gian đào tạo.

Vẫn theo Báo cáo nêu trên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị xem xét, phân định giữa trình độ đại học 3-4 năm với trình độ đại học từ 5 năm trở lên theo hướng quy định người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư (học từ 5 năm trở lên) được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ, phù hợp với quy định hiện nay trong Khung trình độ Quốc gia và cũng phù hợp với cách xử lý hiện nay trong GDĐH trên thế giới.

Xem xét áp dụng mô hình công ty cổ phần đối với trường tư thục

Mặc dù đa số ý kiến Thường trực cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH, song cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc sự cần thiết sửa đổi Luật, vì Luật GDĐH hiện hành mới được ban hành 5 năm; có những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật cũng chỉ mới được ban hành hơn một năm, chưa đủ thời gian cần thiết để kiểm chứng tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định.

Trong số các vấn đề được đề nghị sửa đổi, bổ sung, cơ quan thẩm tra cho biết, dự thảo Luật đã đưa ra quy định phân biệt cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận và cơ sở GDĐH có yếu tố vốn nước ngoài (từ 51% trở lên) căn cứ vào nguồn gốc vốn chủ sở hữu; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch trường, Ban kiểm soát đối với trường tư thục.

Trên quan điểm tháo gỡ vướng mắc trong hành lang pháp lý cho đại học tư thục phát triển, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu phân định rõ giữa vấn đề sở hữu và mô hình tổ chức của trường tư thục; xem xét áp dụng mô hình công ty cổ phần/doanh nghiệp xã hội đối với trường tư thục/trường tư thục không vì lợi nhuận theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Cần làm rõ hơn sở hữu đối với phần tài sản hình thành trong quá trình tích lũy, tái đầu tư của cơ sở GDĐH tư thục, đặc biệt là phần tài sản chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục không vì lợi nhuận; cân nhắc quy định rõ việc quản lý tài chính và tài sản của cơ sở GDĐH tư thục thực hiện theo các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp.

Một nội dung khác có liên quan đến học phí GDĐH. Theo đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng tán thành việc cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức phí dịch vụ đào tạo. Đi đôi với cơ chế học phí này, cần quy định cơ chế giám sát để kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục bậc cao khi tăng mức học phí cũng như bổ sung văn bản hướng dẫn chi tiết về giá và mức giá dịch vụ đào tạo.

Ngọc Khánh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo