Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/2, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã gửi Thường trực Chính phủ bản báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT xây dựng bản báo cáo này.

Báo cáo đưa ra nhận định chung là diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài… Đối với Việt Nam, Bộ KH-ĐT cho rằng, dịch bệnh còn ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virus Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch. Ước tính thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD,…

Báo cáo cũng cho hay, tình hình lao động, việc làm quý I/2020 cơ bản diễn ra bình thường, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm nhẹ so với cùng kỳ quý trước. Tuy nhiên lao động là người Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi quay trở lại làm việc do dịch cúm như các biện pháp cách ly, xin visa, thay đổi quota lao động, kỳ thị dịch… Lao động trong nước phải làm tăng ca bù cho lượng lao động đang thiếu hụt này; lao động trong ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng, du lịch lữ hành giảm giờ làm, bị mất việc. 

Từ các ảnh hưởng nêu trên, Bộ KH-ĐT dự báo trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25%, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96%, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Với thực tế này, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Chính phủ các nhóm giải pháp ứng phó trong bối cảnh dịch. Bộ này cho rằng, trong bối cảnh chịu thêm các ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, dịch khác trên gia súc và gia cầm, trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp nếu tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu không sớm được cải thiện thì khả năng cầm cự chỉ hết tháng 2/2019.

Để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ KH-ĐT đề xuất trước mắt ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể. Bộ nêu quan điểm cần kết hợp nhuần nhuyễn 3 nhiệm vụ: tổ chức chống dịch; thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng tình hình dịch để trục lợi; ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội trong việc chung tay tham gia phòng, chống dịch.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, cần có các giải pháp hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra. Đề nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch..

Với các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, Bộ KH-ĐT đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại. Xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ. Nghiên cứu giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ trong thời gian diễn ra dịch và 2-3 tháng sau thời gian kiểm soát dịch để kích cầu du lịch sau khi dịch được kiểm soát.

Song song đó, đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất. Khẩn trương hoàn thành thủ tục các dự án đầu tư công quy mô lớn.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo