Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn mang tính “chắp vá”

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/12, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp cùng Trường Đại học (ĐH) Sài Gòn tổ chức Hội thảo quốc tế “Khởi tạo doanh nghiệp cho sinh viên các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trên địa bàn TPHCM” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và các nước Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi về kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm nhằm triển khai hiệu quả chương trình khởi nghiệp cho sinh viên các trường trên địa bàn TPHCM.

Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, khởi nghiệp kinh doanh đã trở thành một trong những xu thế phát triển mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên, kết quả thực tế thu được lại khá mờ nhạt. Đó là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại có liên quan đến chất lượng của hệ thống giáo dục. Bà Đặng Thị Kiều Chinh, Trường ĐH Sài Gòn cho rằng, sinh viên Việt Nam thường tốt nghiệp với kiến thức lý thuyết mạnh, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn và những kỹ năng. Trường ĐH nên thay đổi phương pháp giảng dạy cho học phần khởi nghiệp, chẳng hạn dạy học theo dự án, phương án sẽ giúp sinh viên áp dụng kiến thức được học để tạo nên một sản phẩm thực tế và học hỏi được nhiều từ quá trình thực hành đó.

Nói về vai trò của mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường ĐH, CĐ trong việc xây dựng môi trường hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, trên thực tế, mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường đã được hình thành và thúc đẩy trong khoảng 10 năm trở lại. Tuy nhiên, sự hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt là đào tạo khởi nghiệp, triển khai khá thưa thớt, thiếu đồng bộ và còn mang tính ngắn hạn. Bên cạnh đó, bản thân sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn mang tính “chắp vá” về cả về phương thức, thời hạn và nội dung.

“Hầu hết các hợp tác xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải từ kế hoạch chiến lược dài hạn, mức độ hợp tác chủ yếu là ở “sự hiểu biết phát triển ban đầu” và là các “hợp tác ngắn hạn”. Các báo cáo nghiên cứu cho thấy, trong số hơn 400 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với trường ĐH, chỉ có 47 trường hợp xem các trường là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của doanh nghiệp”, ông Trần Ngọc Chu thông tin.

Theo các chuyên gia, sự hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp còn ở mức độ thấp, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đến thực tập hoặc doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên trường, hỗ trợ trường mua thiết bị…, khiến cho những dự án của sinh viên chưa mang tính thực nghiệm cao. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được nhiều trường chú trọng, dẫn đến giảng viên hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy chứ chưa có nhiều động lực trong nghiên cứu, dẫn đến việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng bị xem nhẹ.

Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp tại các nước trên thế giới liên quan đến công tác đào tạo, nguồn tài chính, cơ chế và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên.

Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo