Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Khắc ghi những chiến công và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân

Lãnh đạo Bộ Công an trao quà cho các cán bộ, chiến sĩ CAND đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

(Thanhuytphcm.vn) - Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiều 15/12, tại TPHCM, Bộ Công an đã tổ chức buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử và thân nhân liệt sĩ Công an nhân dân (CAND) tiêu biểu đã trực tiếp tham gia và đóng góp quan trọng vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Tô Đại Phong cùng gần 300 đại biểu, trong đó có 28 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, từ 34 tỉnh thành từ Quảng Trị trở vào đã tham dự buổi họp mặt.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành khẳng định ý nghĩa chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ gây chấn động trên chiến trường miền Nam mà cho cả nước Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris. Trong những chiến công đó, có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của lực lượng CAND với hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, điệp báo an ninh miền Nam… được huy động và hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm cơ sở của lực lượng an ninh đã hy sinh anh dũng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị bắt, tù đày.

“Những chiến công và sự hy sinh cao cả đó mãi mãi được khắc ghi, là động lực tinh thần to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó” - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Thiếu tướng Phan Văn Lai, người đã có 26 ngày đêm trực tiếp chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Huế, bày tỏ cảm xúc “vui mừng và mãn nguyện” khi về dự buổi họp mặt đầy tình nghĩa này, được cùng những đồng đội, đồng chí nay đều tuổi đã cao ôn lại quãng đường tuổi trẻ chiến đấu và cống hiến. “Đây cũng là dịp để chúng tôi bày tỏ, đánh giá, nhận định về sự kiện lịch sử có giá trị hết sức hào hùng này của dân tộc, cũng là chiến công hết sức tiêu biểu, đặc sắc của lực lượng CAND, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh trấn áp phản cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng, góp phần bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó rút ra những bài học quý đóng góp vào kho tàng lý luận và thực tiễn của ngành Công an. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay, những bài học về vận dụng đường lối, phương châm, chính sách trong công tác đấu tranh, trấn áp phản cách mạng và bảo vệ cách mạng, xây dựng lực lượng CAND… đó càng có giá trị hơn bao giờ hết, nhất là ở thời điểm kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại”, Thiếu tướng Phan Văn Lai phát biểu.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ CAND đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ CAND đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Đặng Công Hậu, cán bộ Công an miền Nam tập kết ra Bắc và được Bộ Công an chi viện vào chiến trường miền Nam từ năm 1962, chia sẻ về những hy sinh, mất mát trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đó, có nỗi đau không thể bù đắp trước sự hy sinh của 32 chị em dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ chuyển vũ khí, đạn dược vào Sài Gòn tiếp tế cho chiến dịch trên cánh đồng Bưng, xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) vào đêm 15/6/1968. “Vậy mà trong cảnh tang tóc, ác liệt ấy, hàng loạt nữ thanh niên địa phương (xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Hòa 1, Tân Hòa 2…) lại tiếp tục xung phong lên đường thay thế cho những chị em vừa hy sinh, tiếp tục làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Tôi thật kính phục, bùi ngùi, tri ân”, Đại tá Đặng Công Hậu chia sẻ. Những hy sinh, tổn thất đó lại càng tô thắm thêm thắng lợi vĩ đại mà quân và dân ta đã đạt được.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu cũng đã lắng nghe chia sẻ xúc động của Thượng tá Nguyễn Thị Lan, con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Lợi, chiến sĩ an ninh vũ trang huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã hy sinh vào tháng 2/1968 ở tuổi 20 và cô con gái vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Cho đến ngày hòa bình, ông nội, ông ngoại, cô, chú và dượng của Nguyễn Thị Lan đều lần lượt hy sinh, bà nội bị tù đày, nhà cửa cháy rụi. Thấm thía nỗi đau mất người thân, thiếu vắng tình cảm người cha đã có lần khiến chị Nguyễn Thị Lan rơi nước mắt, thế nhưng truyền thống gia đình cũng hun đúc tinh thần cho chị quyết tâm trở thành chiến sĩ CAND.

“Những người con liệt sĩ chúng tôi mãi tự hào về truyền thống gia đình, cũng như cảm nhận sâu sắc về độc lập tự do hôm nay mà cha ông mình đã đóng góp một phần xương máu. Được góp mặt hôm nay với tôi là niềm vinh dự và xúc động to lớn”, Thượng tá Nguyễn Thị Lan bày tỏ…

Trân trọng tri ân những cán bộ, chiến sĩ đóng góp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại buổi họp mặt, Bộ Công an đã tặng những phần quà ý nghĩa cho các nhân chứng lịch sử và thân nhân liệt sĩ CAND tiêu biểu.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo