Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Khắc phục tình trạng thiếu công khai, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Vân Thanh)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành Trung ương và UBND 63 tỉnh, thành.

Mô hình hay về giải quyết thủ tục hành chính

Tại hội nghị, các địa phương đã chia sẻ về một số kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ - CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cũng như việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Là một trong những địa phương thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Đây là một mô hình khoa học, mang lại hiệu quả thực sự trong hoạt động cải cách TTHC, góp phần thay đổi mối quan hệ hành chính giữa cơ quan quản lý với nhân dân theo hướng phục vụ.

Cụ thể, qua 3 năm triển khai thí điểm, số TTHC đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh đạt tỷ lệ 92%; đối với cấp huyện là 100%. Số TTHC thực hiện theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” ngay tại trung tâm chiếm 95,4%. Thời gian giải quyết TTHC được rà soát cắt giảm từ 40% - 60% so với quy định của Trung ương; hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác giải quyết TTHC thường xuyên đạt trên 99%...

Còn tại TPHCM, do đặc thù riêng nên không triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công tập trung nhưng bằng những giải pháp liên thông cơ sở dữ liệu; ứng dụng CNTT; chuẩn hóa quy trình thủ tục, minh bạch, công khai thông tin TTHC đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết, giảm thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí tuân thủ đối với một số TTHC cho người dân, DN…

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, trong giải quyết TTHC tại sở ngành, quận, huyện đã được TP nghiên cứu và hiện đang triển khai có hiệu quả ở hai mô hình. Đó là việc triển khai thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng TP giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.

Còn đối với giải pháp ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trong lĩnh vực quản lý đô thị ở quận Bình Thạnh đã giúp tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ hành chính tăng dần và từ tháng 10/2016 đến nay tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn lĩnh vực đô thị luôn đạt 100%. Người dân nộp trực tuyến hồ sơ cấp phép xây dựng qua trang web dịch vụ công TPHCM chiếm tỷ lệ 25,06% thay vì nộp trực tiếp tại Tổ Tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ quận.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu ý kiến tại hội nghị. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Xây dựng các hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu

Để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trong thời gian tới, tại hội nghị, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật để việc áp dụng được lâu dài, cụ thể, sát thực và không mâu thuẫn, nhằm tránh tình trạng khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành, địa phương vẫn phải chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ, ngành mới thực hiện được. Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành Trung ương công bố kịp thời các bộ TTHC ngay khi có văn bản quy định về TTHC của Trung ương mới ban hành; các TTHC được công bố đảm bảo đầy đủ các bộ phận tạo thành hoặc có hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Người dân làm hồ sơ thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC của UBND Quận 2.  Người dân làm hồ sơ thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC của UBND Quận 2.

Quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc các lĩnh vực của ngành để phục vụ công tác quản lý và giải quyết các TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân; chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc thống nhất xây dựng các phần mềm giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương với các phần mềm giải quyết TTHC do các địa phương xây dựng để kiểm soát quy trình giải quyết TTHC theo một thể thống nhất, đồng bộ, có kết nối, chia sẻ được dữ liệu.

Còn đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tạo lập, quản lý và chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, lưu trữ điện tử, giao dịch và thanh toán điện tử làm cơ sở triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đẩy mạnh xây dựng các hệ thống kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương, cũng như cơ chế khai thác các dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính để phục vụ các hệ thống giải quyết TTHC của các Bộ ngành, địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC bảo đảm thuận tiện cho người dân, DN khi thực hiện TTHC. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa phải đảm bảo trình độ chuyên môn thực hiện hướng dẫn tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ cho người dân tiến tới thực hiện 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm) đối với những TTHC phổ biến và có số lượng hồ sơ phát sinh lớn.

Các Bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị của mình, hạn chế tối đa việc người dân, DN phải đi lại nhiều lần; khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC, tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm giải quyết TTHC.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh đảm bảo thống nhất, đồng bộ, thuận tiện để cho người dân, DN sử dụng; các dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm khả năng kết nối cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong rà soát đề xuất các TTHC thực hiện liên thông và xây dựng quy trình trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình thực hiện liên thông TTHC, danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ đề án thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia trong quý IV/2018 và khai trương cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/11/2019. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành cổng thanh toán tập trung quốc gia kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, DN thực hiện việc thanh toán trực tiếp. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc xây dựng các dịch vụ công mức độ 3, 4.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo