Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/12, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã khai mạc theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương và lãnh đạo các ban, bộ ngành và đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các địa phương; các khách mời quốc tế, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học tại các điểm cầu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, triển khai chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá khách quan, toàn diện, thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, đề xuất khuyến nghị các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn; đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được giao chủ trì phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”. Diễn đàn được kết nối trực tuyến với hơn 60 điểm cầu trong nước và quốc tế nhằm đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Toàn cảnh Diễn đàn Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội.

Cũng như các nước, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.

Đại biểu dự Diễn đàn Đại biểu dự Diễn đàn

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Diễn đàn lần này là cơ hội để các diễn giả, các nhà khoa học cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới. Phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới - giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới. Đồng thời, gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, để tới đây khi Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường quyết định các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ bảo đảm phản ánh đúng thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu đề ra và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, một nội dung rất quan trọng của Diễn đàn là các đại biểu, các chuyên gia sẽ trao đổi và giải đáp câu hỏi: huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn hạn chế? Phân bổ nguồn lực vào những mục tiêu cụ thể nào? Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của Việt Nam, các ý kiến tại diễn đàn sẽ giải đáp được câu hỏi hấp thụ năng lực của nền kinh tế, trong điều kiện nền kinh tế còn một số điểm nghẽn, vướng mắc… Việc tổ chức Diễn đàn tiếp tục thể hiện sự chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội trong việc cùng với Chính phủ xây dựng và ban hành các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới và không để “lỡ nhịp” xu thế phục hồi, phát triển của thế giới.

Diễn đàn có 2 phiên: phiên toàn thể buổi sáng và tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo