Phó Giáo sư Donna Cleveland, Quyền Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, phát biểu khai mạc liên hoan tại TPHCM (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/11, tại TPHCM, đã khai mạc Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) với chủ đề “Tái tạo”. Sự kiện diễn ra từ ngày 29/11 đến 5/12 với các không gian trưng bày, tọa đàm và workshop mang đậm màu sắc sáng tạo và tôn vinh tính bền vững.
Sự kiện VFCD thường niên lần thứ 6 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), đối tác sáng tạo Behalf by Pencil, đối tác truyền thông Hanoi Grapevine, với sự đồng hành của Cộng đồng Thiết kế nội thất trẻ Việt Nam (YIDC) và Viral Town.
Đến với liên hoan, khán thính giả có cơ hội tham gia chuỗi sự kiện phong phú, khám phá những giải pháp, sáng kiến bền vững nhằm tái tạo môi trường, xây dựng cộng đồng hay lối sống văn hóa. Tất cả sự kiện tại TPHCM đều mở cửa miễn phí.
Liên hoan năm nay xoay quanh chủ đề “Tái tạo”. Theo ban tổ chức, tái tạo một cách sáng tạo và bền vững là quá trình làm mới, phục hồi, hoặc hồi sinh một di sản văn hóa (hữu hình hoặc vô hình), một cộng đồng hoặc môi trường. Tầm quan trọng của tái tạo nằm ở tiềm năng biến đổi và tạo ra các sản phẩm xanh, khơi dậy các cộng đồng hoặc các không gian bền vững, có khả năng phục hồi trước những đổi thay.
Phó Giáo sư Donna Cleveland, Quyền Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế thuộc Đại học RMIT Việt Nam, đại diện ban tổ chức cho biết: “Đã đến lúc chúng ta cần vượt ra khỏi thiết kế bền vững đơn thuần để hướng tới một phương pháp kết hợp giữa tư duy thiết kế với những giải pháp dựa trên thiên nhiên và hiểu biết khoa học.
Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra và khám phá các giải pháp dung hòa được nhu cầu của cả cộng đồng địa phương và toàn cầu, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường xung quanh”.
Xuyên suốt liên hoan, khách tham quan có thể thưởng lãm hai không gian trưng bày tại Alpha Art Station, gồm không gian “Tái tạo” và “đây/đó - Kiến tạo kết nối: Góc nhìn đương đại về thiết kế, văn hóa và không gian”.
Những hiện vật trưng bày gợi cảm hứng cho cộng đồng thực hành sáng tạo tìm ra giải pháp để củng cố khả năng chống chịu và tái tạo của ba lĩnh vực trọng tâm, gồm cộng đồng và không gian, văn hóa và di sản, môi trường.
Người tham quan có thể tìm hiểu các dự án như: “Nature's Rewilding Vietnam” của WWF với những hình ảnh về khôi phục hệ sinh thái, giúp khơi dậy ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; “Đà Lạt - City of Arts” sử dụng diễn họa bản đồ và kể chuyện du lịch bền vững nhằm bảo tồn, tôn vinh văn hóa và làm sống động các di sản độc đáo của thành phố; “Dự án Tiếng Việt” của Lướt Code làm mới lại cách nghe - đọc - hiểu “tiếng ta”, hướng đến việc tôn vinh và bảo tồn vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt;…
Các bạn trẻ tham gia không gian các hoạt động tại liên hoan, giúp khơi dậy ý thức về bảo vệ môi trường Trong khi đó, trưng bày “đây/đó” có sự tham gia của bốn nhà thiết kế, gồm Võ Ngọc Thanh Tiến, Trang Do, Đào Mạnh Khang (Sâm) và Hữu Khoa. Trưng bày bắt nguồn từ dự án giao lưu liên văn hóa dài hạn nhằm thúc đẩy thiết kế đương đại, thủ công và các thực hành nghệ thuật giữa Việt Nam và Australia, được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Đại học RMIT, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Tuần lễ Thiết kế Việt Nam.
Trưng bày “đây/đó” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa và di sản truyền thống thông qua việc giới thiệu sản phẩm của các nhà thiết kế trẻ, với cảm hứng từ kỹ thuật và phong cách truyền thống.
Tại buổi tọa đàm “đây/đó” vào ngày 4/12 tới đây, các nghệ sĩ sẽ chia sẻ hành trình phát triển tầm nhìn sáng tạo của mình, với sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia cố vấn từ Việt Nam và Australia.
Để tìm hiểu thêm về VFCD 2024, hãy truy cập trang web: https://vfcd.events